Hậu Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi dòng chảy trên sông Hậu. Trong khi đó,cerezo – sanfrecce địa chất một số khu vực vốn yếu nên sạt lở đất xảy ra là khó tránh khỏi. Nhiều hộ vừa khắc phục xong hậu quả sạt lở đất trong lòng lại canh cánh mối lo khi mùa lũ đã gần kề.
Vụ lở đất mới nhất xảy ra ở đầu vàm Mái Dầm vào rạng sáng ngày 5-7 khiến tài sản của 3 hộ dân bị thiệt hại.
Trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh có dự báo trong 6 tháng cuối năm thời tiết có khả năng diễn biến phức tạp hơn. Kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động lớn đến con người, trong đó sạt lở được xem là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm gây nên những tổn thương khó phục hồi. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7, Hậu Giang lại liên tiếp xảy ra 2 điểm sạt lở trên địa bàn xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp và thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Cụ thể, rạng sáng ngày 2-7, xảy ra vụ sạt lở đất tại tuyến kênh xáng Nàng Mau, ấp Thạnh Lợi 1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, với chiều dài sạt lở 12m, sâu vào bờ nơi rộng nhất là 8,1m, làm sập một phần của 2 căn nhà xuống sông, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Rất may do người dân phát hiện sớm nên vụ việc chỉ gây thiệt hại tài sản. Ông Nguyễn Thanh Tâm, ở ấp Thạnh Lợi, xã Tân Long, kể lại: “Sau tiếng răng rắc, nhà chuyển động rồi sập ầm xuống sông. 2 căn bếp cùng một số dụng cụ nhà bếp không dời kịp nên mất hút theo dòng nước”.
Còn tại thị trấn Mái Dầm, mới đây người dân sinh sống đầu vàm sông Mái Dầm, thuộc ấp Phú Xuân đã một phen hoảng hồn bởi đất ven bờ bất ngờ sụp lún. Kèm theo đó là phần hàng rào, mái nhà, đường đi của người dân bị đứt đoạn. Đoạn lở dài khoảng 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 6m làm ảnh hưởng trực tiếp 3 hộ dân; ước thiệt hại ban đầu khoảng 100 triệu đồng bao gồm phần nhà, mái che và đường đi.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, ở ấp Phú Xuân, kể: “Trước đó chỉ lún thôi, rồi đến rạng sáng ngày 5-7 thì sụp luôn. Quán ăn phía trước đã dỡ và phần hàng rào được chính quyền địa phương cử nhân lực hỗ trợ đập bỏ trong buổi sáng. Nhà cửa tôi ở đây, cùng lắm thì dời đồ vào phía trong ở chứ không biết làm thế nào. Trước khi sụp đất có một cơn mưa khá lớn trong đêm, nền đất vốn yếu nên gặp mưa lớn mới sụp lún”.
Ông Nguyễn Văn Ngày, ở ấp Phú Xuân, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng nguyên nhân sạt lở do đầu vàm tiếp giáp với sông Hậu, nước đổ mạnh, lâu năm làm xói mòn chân đất. Mùa lũ tới đây, xóm tôi đối diện với “nỗi lo kép”, vừa lo lở vừa lo lũ”.
Chính quyền địa phương cho biết hiện còn khoảng 40 hộ nằm trong đoạn nguy cơ gần đầu vàm sông Mái Dầm. Do nơi này chủ yếu là nhà kiên cố, cư dân sinh sống lâu đời nên việc vận động di dời gặp khó khăn. Trước đó, vào ngày 3-7, UBND thị trấn Mái Dầm đã nhận được tin báo từ người dân về biểu hiện nền đất nứt thì 2 ngày sau đã xảy ra vụ việc. Ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, cho biết: Thị trấn đã huy động lực lượng tháo dỡ một phần của 3 căn nhà và 1 mái che để giảm tải. Về lâu dài, khu vực này được dự báo vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt lở bởi ảnh hưởng dòng chảy của sông Mái Dầm. Tới đây, địa phương sẽ chủ động đến vận động người dân di dời, xem xét bố trí vào khu dân cư vượt lũ. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến, vận động người dân di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra 17 điểm sạt lở đất bờ sông, gây thiệt hại khoảng 811 triệu đồng. Đây là địa bàn thường xảy ra sạt lở nhất ở Hậu Giang. Trong đó, khu vực đầu vàm Mái Dầm, Cái Côn chịu ảnh hưởng thường xuyên và trực tiếp bởi biến đổi dòng chảy sông Hậu, cộng với nền đất yếu dễ tổn thương nên bị xói mòn, sạt lở là khó tránh khỏi. Minh chứng là sạt lở từng xảy ra liên tục trong 2 năm nay quanh khu vực vàm Cái Côn với mức độ và diễn biến phức tạp. Hiện khu vực này vẫn nằm trong cảnh báo nguy cơ cao. Có thể thấy, những tháng cuối năm vẫn là thời điểm rất áp lực trong việc phòng và ứng phó thiên tai ở Hậu Giang nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đặc biệt là khi mùa lũ đã gần kề.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Hậu Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi dòng chảy sông Hậu. Trong khi đó địa chất mềm yếu nên sạt lở là khó tránh khỏi và đây là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, ngành chuyên môn đã xây dựng kế hoạch chung để phòng, chống sạt lở năm 2018 và những năm tiếp theo. Ngành đang chuẩn bị thông qua trong đợt tổng kết tới và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm rõ.
Bài, ảnh: KỲ ANH