【nhat bản vs】Doanh thu từ thương mại điện tử còn khiêm tốn
Tại diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề: “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” ngày 8-12, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (1997-2005) mới chỉ tập trung vào hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ nền tảng và hoàn thiện chính sách pháp luật. Giai đoạn 2006-2015, thương mại điện tử có sự phát triển sôi động, với nhiều người thành công.
“Thương mại điện tử ở Việt Nam nhanh nhưng mới chỉ ở mức độ phổ cập, ai cũng tham gia, ngó nghiêng. Quy mô ở Việt Nam không lớn”, ông Hưng nói.
Năm 2015, doanh số thu từ thương mại điện tử đạt 4,07 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012.
Tuy nhiên, nếu so với doanh thu của các nước khác thì con số này không thấm vào đâu. Ví dụ, doanh thu bán lẻ của Mỹ thu được từ thương mại điện tử là 355 tỷ USD, Hàn Quốc là 38 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc lên tới 637 tỷ USD. Từ đó cho thấy, con số của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Ông Hưng cho biết thêm, chương trình mua sắm trực tuyến của Việt Nam năm nay dù tăng gấp đôi năm trước nhưng khi thống kê với con số của chương trình Black Friday trên thế giới thì chỉ là dấu phảy so với những thị trường khác. Do đó, doanh thu 500 triệu USD chắc còn xa.
Một trong những khúc mắc lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Việt Nam được bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ ra là việc thanh toán. Hầu hết ở Việt Nam dù mua hàng trực tuyến nhưng khi nhận hàng rồi trả tiền tại chỗ.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân niềm tin của người tiêu dùng đối với việc mua hàng trực tuyến, mua hàng online. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng đã phải “ăn quả đắng” khi mua hàng qua mạng bởi hàng đặt khi nhận về tay không giống như trên mạng.
Theo bà Loan, dự báo đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có đến 8 người dùng điện thoại di dộng, 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Xu hướng mua bán online, đặc biệt qua điện thoại di động đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Trước khi quyết định mua sắm 70% lên mạng tìm địa chỉ thông tin, 82% người dùng điện thoại để quyết định mua hàng ngay khi đang ở trong cửa hàng.
Sự phổ cập của internet, kỹ thuật số và công nghệ di động đã chắp thêm sức mạnh cho thương mại điện tử cất cánh và những cơ hội, những bước phát triển ngoạn mục cho ngành dịch vụ bán lẻ trong tương lai.
“Mua sắm qua mạng xã hội như facebook, zalo, viber đã trở thành nơi phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến”, bà Loan nhận xét.
Tuy nhiên, muốn phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam mấu chốt là phải thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng, của doanh nghiệp.