Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì không còn tài sản thế chấp. Ảnh minh họa |
Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02 năm 2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Cụ thể, theo khảo sát của HUBA cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.
Do đó, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Mặt khác, với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.
Vì vậy, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Nghĩa là doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian qua.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn, HUBA kiến nghị UBND TPHCM xem xét, đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
Theo HUBA, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… vài năm gần đây được đánh giá là chưa tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là các chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay khá cao (7%-8%).
Theo các doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận vốn vay không còn nằm ở lãi suất mà ở thủ tục. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, các ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả và khả thi từ phương án kinh doanh.
Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất cho vay một cách thực chất, bởi hiện không ít doanh nghiệp vẫn đang vay với lãi suất không thấp hơn mức 10%/năm. Các ngân hàng cần cải cách các thủ tục, điều kiện vay vốn một cách hiệu quả hơn, phù hợp thực tế hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đại diện NHNN chia sẻ, thực tế thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm, chủ yếu do yếu tố mùa vụ và nền kinh tế thế giới chưa thực sự khởi sắc. Vì thế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. |