【nhận định man city vs tottenham】Cuộc hội ngộ sau gần 50 năm

Báo Cà Mau(CMO) Cuộc hội ngộ chỉ hơn 1 giờ, trong sự bỡ ngỡ của đôi bên. Người mẹ chết lặng không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Người con thì cứ mím chặt môi cố giữ bình tĩnh. Họ chụp vội tấm ảnh lưu niệm cùng họ hàng, rồi chia tay nhau…

Con đi rồi, những giọt nước mắt của bà lại rơi. Người phụ nữ tóc bạc, mắt mờ vội lấy ra cuốn nhật ký nhoè mực. Mỗi trang viết là cuộc đời, là tình yêu trắc trở và nỗi đau xa con, được bà giấu kín cả đời nay hé mở…

Bà Huôi và con trai trong ngày hội ngộ sau gần 50 năm xa cách.

Ngày cưới lại là ngày hy sinh

Người mẹ ấy là bà Trần Thị Huôi, năm nay đã 76 tuổi. Bà có bề dày cống hiến cho cách mạng quê hương, là thương binh hạng 4/4 và được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Mới 12 tuổi bà đã tham gia công tác liên lạc, 17 tuổi được kết nạp Ðảng, là đảng viên trẻ nhất của ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ (huyện Năm Cứng), nay thuộc huyện Phú Tân. Bà Huôi được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Du kích ấp, vận động thanh niên rèn luyện quân sự, tòng quân chiến đấu… Năm 1966, bà làm Bí thư Xã đoàn, được gặp gỡ và quen biết ông Sáu Thông (Huỳnh Văn Ðủ), là y sĩ của Tỉnh đội. Họ hẹn ước khi hoà bình sẽ làm đám cưới.

Thế nhưng, năm 1969, ông Sáu Thông được lệnh đi Hà Nội học đến 3 năm, còn bà Huôi được phân công ra thị xã. Lo chiến tranh loạn lạc, hai người quyết định thành hôn trước khi nhận nhiệm vụ mới. Họ hẹn nhau tại đầm Thị Tường để tính chuyện tương lai, ai ngờ ngay lúc trực thăng của địch lùng sục, bắn phá. May mắn gần đó có cái hầm, họ nhanh chóng trú ẩn an toàn. Chính nơi này tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái. Bà Huôi bồi hồi: “Ông ấy lấy ra một chiếc nhẫn vàng đeo vào tay tôi và nói, thấy nhẫn như thấy người, còn đám cưới mẹ sẽ chuẩn bị cho chúng mình vào ngày 22/10/1969”.

Không lâu sau, theo ngày đã hẹn, bà Huôi về nhà đợi. Nhưng ông Sáu vẫn chưa về vì có đồng đội bị thương nặng, ông phải ở lại chăm sóc. Ðêm đó, bọn địch càn vào Kinh Cùng, nơi đơn vị đóng quân, ông Sáu nhận nhiệm vụ gài mìn, ai ngờ bị địch phát hiện, chúng bắn và mổ bụng ông.

Xác ông Sáu được đồng đội chở về nơi hẹn. Bà Huôi gục ngã, nhưng chiến sự gấp gáp không thể do dự. Bà kìm nén đau thương, cố sức chèo xuồng đưa ông đến nơi an nghỉ. Bà vuốt mặt ông lần cuối, lấy khăn tay của mình đắp lên mặt ông, bộ đồ chú rể mới may cũng theo ông xuống mộ. Sau này, đồng đội kể lại rằng, ông Sáu từng gửi gắm khi nào ông mất thì mang ông về gặp bà Huôi và chôn tại nghĩa trang Thị Tường để được ở gần bà mãi mãi.

Nếu không cho con sẽ chết

Bà Huôi kể: “Khi ông Sáu yên mồ được vài ngày, mẹ ông đến trao cho tôi đôi bông tai và chiếc lắc, là quà cưới mà bà đã chuẩn bị từ trước, nhưng tôi chỉ nhận đôi bông. Mẹ nói tuy không tổ chức đám cưới nhưng trong lòng mẹ vẫn xem tôi là con dâu. Giác quan của người từng trải, mẹ nhiều lần gặng hỏi tôi có phải đã mang thai? Nhưng tôi đều phủ nhận”. Bấy giờ bà Huôi là đảng viên, anh chị em trong nhà đều tham gia cách mạng, nếu để lộ đứa con là của ông Sáu Thông, thì mẹ con bà và cả gia đình đều gặp nguy hiểm.

Bụng bà Huôi ngày một lớn, bí mật sinh con giữa mưa bom bão đạn và đặt tên là Trần Hoài Nam, không lấy họ Huỳnh vì sợ địch nghi ngờ. Vậy mà bọn chúng vẫn bắt bớ, hăm he đủ điều, đứa trẻ mới vài tháng tuổi đã phải theo mẹ mấy lượt ở tù. Bà Huôi quyết định bồng con rời khỏi quê hương Cà Mau, tìm người thân, bạn bè nương nhờ, họ sợ liên luỵ đều từ chối. Rày đây mai đó, bà bóp bụng bán hết số vàng kỷ niệm vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc bế tắc, bà Huôi được một ni cô giúp đỡ, cho nương nhờ trong một ngôi chùa ở Long Xuyên, An Giang.

Nhìn con say giấc hồn nhiên, bà Huôi hy vọng con mình có cuộc sống sung sướng hơn. Ðược người giới thiệu một gia đình khá giả, không có con ở Mỹ Tho, Tiền Giang, bà đành đứt ruột cho con mình khi nó mới lên 2 tuổi. Ai đã làm mẹ mới thấu hiểu hết nỗi đau này. Vài lần lén đến thăm con, thấy họ chăm sóc đứa bé đàng hoàng, bà Huôi cũng an tâm lo việc nước. Bà trở lại chùa, dạy lớp học bình dân, chở che nhiều chiến sĩ cách mạng. Tại đây, bà Huôi gặp được người tù Côn Ðảo trở về, sau này họ nên duyên chồng vợ và có với nhau 7 người con.

Hoà bình, về lại quê hương (ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân), vừa lo kinh tế, vừa lo cho các con tuổi ăn, tuổi lớn, cuộc sống nghèo khó đã chiếm hết thời gian của người mẹ tảo tần. Lòng bà luôn nhớ về đứa con nơi xa xôi, nhiều lần định nhận lại con nhưng cảnh nghèo làm bà chùn chí.  

Hội ngộ trong bỡ ngỡ

Các con bà Huôi 3 người có bằng đại học, 4 người có bằng trung cấp, giờ đã ổn định cuộc sống riêng. Chồng bà Huôi đã mất năm 2000. Tuổi về già, bà càng nhớ chuyện xưa. Gần đây có người bà con sinh sống ở Tiền Giang, biết gia đình hồi trước bà Huôi cho con, qua đây bà Huôi hay con mình sống yên ổn, bà mừng thầm.

Anh Nguyễn Kế Hiền, con bà Huôi, giáo viên Trường Tiểu học Phú Thuận 2, tâm sự: “Mấy hôm trước tôi hỏi mẹ có muốn nhìn nhận lại anh không? Mẹ cười nói thôi đi, giờ nó ổn rồi đừng làm xáo trộn cuộc sống của nó. Nói xong mẹ lặng lẽ quay đi lau nước mắt. Tôi biết trong lòng mẹ mang nhiều tâm sự và rất muốn gặp lại anh”.

Những buổi chiều bà Huôi thường đứng lặng người, nhìn xa xăm về hướng bờ sông, như trông ngóng điều gì đó. Hiểu mẹ, thương mẹ, đã thôi thúc anh Hiền tìm cách liên hệ với người anh chưa một lần biết mặt. Tên Trần Hoài Nam của anh đã được mẹ nuôi đổi thành Nguyễn Thanh Phong. Qua điện thoại, anh Hiền kể cho anh Phong nghe về xuất thân, nguồn gốc của anh. Anh Phong liền hẹn tìm gặp vào dịp nghỉ lễ 30/4 vừa rồi.

Gia đình anh Phong chụp ảnh lưu niệm cùng những người thân. (Ảnh do gia đình bà Trần Thị Huôi cung cấp).

Lần đầu đến nơi chưa từng biết, gặp những người chưa từng quen, anh Phong cùng vợ và các con vô cùng lạ lẫm. Cuộc gặp gỡ chỉ hơn 1 giờ, trong sự bỡ ngỡ của đôi bên. Cô Nguyễn Hồng Hạnh, người chứng kiến cuộc hội ngộ, thố lộ: “Ai nấy xúc động không nói được gì, họ hàng thì kể về cuộc đời chiến đấu của anh Sáu. Chị Sáu chăm chăm nhìn con, chỉ nói được câu nó giống hệt anh Sáu hồi trẻ. Còn cháu Phong thì cứ mím chặt môi, như để kìm chặt cảm xúc”. 

Biết bao nhiêu tâm sự dồn nén bà Huôi chưa nói được thành lời với con, và anh Phong cũng chưa hỏi mẹ điều gì. Chụp vội tấm ảnh gia đình, anh Phong bồi hồi, xúc động ra về, hẹn đến tháng 10 giỗ cha sẽ trở lại./.

 

Mộng Thường