Khó khăn bủa vây,Thúcmjallby xuất khẩu nông sản đặt mục tiêu 42 tỷ USD | |
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản "cán đích" 41,3 tỷ USD |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Vượt qua năm 2019 nhiều khó khăn, ngành NN&PTNT đặt ra định hướng, mục tiêu phấn đấu như thế nào trong năm 2020, thưa Bộ trưởng?
Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Mục tiêu của ngành là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 2,8%; giá trị sản xuất đạt trên 3% và kim ngạch xuất khẩu trên 42 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt trên 20 tỷ USD; thủy sản trên 10 tỷ USD; lâm nghiệp trên 11,5 tỷ USD; các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,7 tỷ USD.
Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ nhấn vào những giải pháp trọng tâm nào để có thể đạt được các mục tiêu đề ra?
Bên cạnh các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hàng nông sản; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp..., ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, về đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu: Bộ NN&PTNT sẽ tập trung duy trì và phát triển các thị trường lớn, các thị trường ưu tiên duy trì phát triển (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU); khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Australia, New Zealand, Trung Đông).
Tăng cường đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung các thị trường: Trung Quốc (thạch đen, khoai lang tím, sầu riêng và tiếp theo là chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa); Hoa Kỳ (quả bưởi tươi); Nhật Bản (nhãn, vú sữa, chanh leo)...
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức thúc đẩy thương mại, xúc tiến quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các đoàn công tác, hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ, tập trung vào các thị trường: Trung Quốc (trái cây, sữa, măng cụt, thủy sản chất lượng cao, gạo, chè); thị trường EU (trái cây tươi, sấy khô, đông lạnh, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi chế biến); Nhật Bản (vải, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài)...
Bộ NN&PTNT cũng xác định sẽ tổ chức theo dõi, khảo sát, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý các khó khăn vướng mắc và tham mưu các vấn đề về thương mại nông sản biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Về tăng cường thúc đẩy tiêu thụ nông sản chất lượng trong nước: Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu thị trường hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trong nước, kịp thời báo cáo, tham mưu Lãnh đạo Chính phủ.
Cùng với đó, tổ chức khảo sát, đánh giá dự báo sản lượng thu hoạch nông sản chính vụ nhằm cân đối cung cầu, đề xuất các giải pháp thị trường; giải quyết kịp thời những điểm nóng về mùa vụ tại các tỉnh trọng điểm..
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác dự báo, phân tích thị trường là yếu tố quan trọng, thậm chí có tính quyết định trong tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Yếu tố này có được Bộ NN&PTNT thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới không, thưa Bộ trưởng?
Ngoài các nội dung nêu trên, năm 2020, Bộ NN&PTNT cũng xác định sẽ chú trọng hơn nữa công tác dự báo, phân tích thị trường. Trong đó, Bộ tiếp tục duy trì, nâng cấp trang thông tin sản phẩm chủ lực; xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường nông sản của Bộ để cung cấp định kỳ cho các cơ quan hữu quan, địa phương, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân...
Xin cảm ơn Bộ trưởng!