Grab “xuống nước” trong vụ tài xế kiện đòi bồi thường
Phía Grab đồng ý sẽ mở lại app nhưng không đồng ý bồi thường cho tài xế Nguyễn Văn Hưng.
Như BizLIVE đề cập,ốngnướctrongvụtàixếkiệnđòibồithườtỉ lệ ma cao ngày 1/12, TAND quận 10, TP.HCM mở phiên xử sở thẩm vụ kiện “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) sau hơn 2 năm trì hoãn.
Mở đầu phiên xử, tài xế Nguyễn Văn Hưng tiếp tục nêu yêu cầu thay đổi hội đồng xét xử. Nguyên đơn cho rằng thẩm phán đã không vô tư, khách quan, khiến vụ án bị kéo dài gây bất lợi cho mình. Kiến nghị của ông Hưng không được hội đồng xét xử chấp thuận.
Đề cập lý do khiến vụ kiện kéo dài, hội đồng xét xử cho biết do các yếu tố khách quan như phải chờ kết quả xác minh của Sở Kế hoạch Đầu tư TP cung cấp tính pháp lý của Grab và kết quả xác minh tính pháp lý của Hợp tác xã Vận tải Hòa Bình. Tòa thông tin đến nay cũng chưa nhận được các giấy tờ đầy đủ của Sở Kế hoạch Đầu tư.
Bên cạnh đó, tòa cũng nêu lý do dịch bệnh Covid-19 cũng như bản thân ông Hưng cũng có 1 lần xin hoãn xử.
Tài xế Nguyễn Văn Hưng cho rằng, ông nộp đơn cho toà án từ ngày 26/11/2018 nhưng tới ngày 8/1/2019 mới nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí và thụ lý vụ án. Và gần 1 năm sau, ngày 14/11/2019 ông mới nhận được thông báo tạm đình chỉ vụ án để đợi kết quả xác minh từ Sở Kế hoạch Đầu tư TP.
Nguyên đơn cũng nêu, theo hồ sơ sao chụp của luật sư, Sở Kế hoạch Đầu tư TP thì sở này đã trả lời qua Công văn số 1371/ĐKKD-THKT từ ngày 19/3/2019. Theo đó, nguyên đơn cho rằng thẩm phán đưa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án là không có căn cứ.
Tài xế Hưng cũng đề cập tới phiên lần 2, phía tòa đã không thông báo cho luật sư của nguyên đơn, khiến nguyên đơn bị động, luật sư không thể tham dự và ông Hưng đành xin hoãn toà. Theo đó, tài xế đề nghị thẩm phán phải trả chi phí đi lại cho luật sư của mình với số tiền là 5 triệu đồng.
Đề cập mấu chốt vụ án, hội đồng xét xử cho rằng cần làm rõ tỷ lệ phần trăm huỷ chuyến trên app của ông Hưng có vượt quá quy định 25% dẫn đến Grab khoá tài khoản hay chưa. VKS cũng đề nghị làm rõ mấu chốt vấn đề này.
Tại tòa, tài xế Hưng đưa ra bằng chứng màn hình chụp điện thoại lúc 22 giờ 27 phút ngày 11/11/2018 cho thấy tỷ lệ huỷ chuyến của ông Hưng là 24,6% chưa phải là mức bị khoá app (25%). Tài xế cho rằng việc Grab khoá app như vậy là vi phạm hợp đồng hợp tác.
Tài xế Hưng cũng đề cập việc Grab tùy ý điều chỉnh tỷ lệ hủy cuốc từ 30% (Bộ Quy tắc ký với tài xế) xuống 25%. Việc điều chỉnh chỉ được thông báo trên app mà không thông qua tài xế. Theo đó, ông Hưng cho rằng việc làm này đã vi phạm vào khoản 3 điều 421 của Bộ Luật Dân sự.
Cụ thể, điều này quy định nội dung thỏa thuận sửa đổi hợp đồng thì Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu và Điều 417 không được sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.
Theo đó, với mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, căn cứ vào Điều 123, Điều 130, Điều 407, Điều 360 BLDS; Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, tài xế Hưng yêu cầu Grab phải bồi thường thiệt hại cho ông 6 tháng thu nhập với số tiền hơn 92,4 triệu đồng.
Ngoài ra, nguyên đơn yêu cầu Grab cung cấp chứng từ nộp thuế, biên lai đóng thuế hộ của tài xế.
Phía Grab khẳng định, phần mềm của Grab không có ai can thiệp và đều là tự động. Dữ liệu tỷ lệ huỷ cuốc của ông Hưng vượt quá quy định nên tài xế bị cắt app là hoàn toàn chính xác. Việc màn hình điện thoại của tài xế hiển thị thế nào, Grab không thể quản lý và không biết.
Liên quan đến vấn đề đóng thuế, Grab cho biết đã có giấy xác nhận đóng thuế cho ông Hưng, nhưng không thể nêu chính xác ngày nộp thuế.
Tài xế Hưng cho biết muốn phía Grab đưa ra một con số cụ thể ngày nào, giờ nào Grab đã đóng thuế cho tài xế. Việc được cung cấp chứng từ thuế là quyền lợi của bị đơn nên ông Hưng đề nghị được cung cấp.
Hội đồng xét xử cho biết tòa đã thông báo đến Grab về yêu cầu này của nguyên đơn nhưng đến nay vẫn chưa có. hội đồng xét xử đề nghị Grab cung cấp chứng từ ngày giờ nộp thuế cho ông Hưng.
Cuối phiên xét xử, phía Grab cho biết chỉ chấp nhận hỗ trợ mở app cho tài xế Hưng, chứ không chấp nhận bồi thường số tiền 92,4 triệu đồng vì cho rằng Grab không sai. Trong khi đó, ông Hưng cũng khẳng định sẽ chỉ chấp nhận hoà giải nếu Grab bồi thường thiệt hại và mở lại app.
Hội đồng xét xử thông báo phiên toà sẽ tiếp tục vào 8h sáng ngày 15/12.