【tỉ số trận đấu giữa】Phát hiện và điều trị dị tật tim bẩm sinh
(CMO) Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em (hay dị tật tim bẩm sinh) là những dị dạng ở tim xảy ra từ khi còn trong bào thai. Do cấu trúc tim bị khiếm khuyết khiến chức năng và hoạt động của tim bị ảnh hưởng, tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động bất thường.
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là dạng dị tật bẩm sinh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh. Hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm, dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện ở tuần thứ 18 của thai kỳ.
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn các ca bệnh rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể. Theo nghiên cứu, tim bẩm sinh có thể do một số nguyên nhân như: Di truyền, do nhiễm độc thai, do người mẹ nhiễm bệnh trong thời gian mang thai…
Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi. (Ảnh chụp tại Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau). |
Di truyền là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là các dị tật về tim. Trẻ có cha, mẹ hoặc người thân trong gia đình bị tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trường hợp cha mẹ mang gen bệnh, dù không bị tim bẩm sinh thì sinh con vẫn có khả năng mắc bệnh cao.
Một nguyên nhân khác là trong quá trình mang thai, nếu mẹ sử dụng một số loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma tuý thì trẻ sinh ra dễ bị dị tật tim bẩm sinh. Bên cạnh đó, người mẹ tiếp xúc với tia X-quang, chất phóng xạ... hoặc sống trong môi trường độc hại cũng có thể bị nhiễm độc thai kỳ, dẫn đến dị tật bẩm sinh cho con.
Ngoài ra, người mẹ nhiễm các vi rút Herpes, Rubella, Cytomegalo... trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ khiến trẻ dễ mắc các dị tật, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Mẹ bị đái tháo đường, Lupus ban đỏ trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh.
Biểu hiện tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bao gồm: Khó thở, thở nhanh, thở co lõm, bú ít và ngừng nghỉ liên tục khi bú mẹ. Trẻ được vài tháng tuổi trở lên sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn: Thường xuyên ho, thở khò khè và hay bị viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể có một số biểu hiện đi kèm như thể chất chậm phát triển, da xanh xao, môi và đầu ngón chân, ngón tay chuyển màu tím khi trẻ khóc. Dị tật tim bẩm sinh có thể đi kèm với các bệnh liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể như: Down, sứt môi, thiếu hoặc thừa ngón chân... Những trường hợp này cần được theo dõi đặc biệt để sớm phát hiện và điều trị những dị tật về tim bẩm sinh nếu có. Một số trường hợp, một số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện rõ rệt và chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ được đưa đi kiểm tra sức khoẻ hoặc đi khám bệnh khác.
Do những đặc thù về thể chất, trẻ bị tim bẩm sinh luôn có sức khoẻ yếu hơn các trẻ khác, vì vậy, trẻ cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Giúp trẻ có sức đề kháng tốt từ việc tiêm vắc xin đầy đủ và khám sức khoẻ định kỳ vô cùng quan trọng, giúp trẻ phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh để chủ động phòng tránh. Chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng cần được quan tâm, trong thành phần dinh dưỡng của trẻ cần nhu cầu năng lượng cao hơn trẻ bình thường. Bên cạnh đó, hầu hết trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh có thể sinh hoạt và tham gia các hoạt động vui chơi bình thường. Tuy nhiên, các môn hoạt động mạnh hoặc thi đấu đối kháng không phù hợp với trẻ bị bệnh. Những hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải như bơi lội, đạp xe, đi bộ, chơi cầu lông... sẽ giúp trẻ năng động và khoẻ mạnh hơn./.
Kim Nguyên