Đây là ý kiến của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về một số nội dung mới trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN vừa được thông qua cuối năm 2014.
* Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Theo ông, những điểm mới nào trong luật là cơ sở cho những đánh giá này?
- Đánh giá chung thì điểm nhấn quan trọng của Luật là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN, nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, của người đại diện vốn, ban điều hành DN. Luật bổ sung các chương về quản trị về tài chính, giám sát và công khai minh bạch thông tin.
Với các nguyên tắc này, hiệu quả đồng vốn được thường xuyên kiểm tra, không chỉ cho chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước mà cho cả xã hội kiểm soát. Với sự minh bạch như vậy, DN bắt buộc phải chủ động hơn, quyết liệt hơn để đồng vốn có hiệu quả.
Luật mới cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh khi yêu cầu DNNN công khai minh bạch toàn bộ các hoạt động thường niên, tạo bình đẳng với các thành phần khác. Thậm chí, DNNN minh bạch hơn khi các DN chưa niêm yết, chưa đại chúng hiện không bắt buộc công khai.
Bên cạnh đó, Luật thu hẹp sự tham gia của Nhà nước vào các lĩnh vực kinh doanh khi quy định rõ chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực thiết yếu mà các thành phần kinh tế khác không làm, chưa làm được. Vì vậy, thị phần cho DN ngoài Nhà nước được mở rộng, tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn. Tới đây, cùng với Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tới đây, cùng với Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ông Đặng Quyết Tiến |
* Vậy Luật này có những quy định mới nào có thể giúp đẩy nhanh việc tái cơ cấu DNNN?
- Sau hơn 10 năm kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, lần đầu tiên chúng ta đã luật hoá các nội dung liên quan đến cơ cấu lại vốn Nhà nước, đồng thời đưa ra được phạm vi Nhà nước cần đầu tư với danh mục thu gọn. Một khi đã luật hóa thì các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ sẽ buộc phải tăng tốc cổ phần hóa (CPH). Hơn nữa, Luật cũng quy định những vấn đề mà trước đây được cho là cần CPH mới làm được như xử lý tài chính, quản trị, minh bạch thông tin... DNNN còn phải áp dụng cơ chế giám sát, quản lý tài chính chặt chẽ hơn, thậm chí “kỷ luật sắt” hơn so với DN hoạt động theo Luật DN.
Với những quy định cụ thể về trách nhiệm, áp lực đối với người điều hành DNNN là rất lớn. Điểm yếu của quy chế chủ sở hữu Nhà nước trước đây là “đồng tiền không liền khúc ruột”, đồng tiền của chủ sở hữu không liền với điều hành của DN. Vì vậy, khi Luật tháo gỡ điểm yếu này thì việc CPH là đương nhiên, không còn sự lựa chọn nào, do vậy tốc độ CPH sẽ được đẩy nhanh.
* Có một số ý kiến cho rằng tái cơ cấu DNNN hiện nay không chỉ là nhìn vào con số CPH mà phải nhìn vào hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Tất nhiên khi CPH xong, quan trọng nhất là phải đổi mới quản trị để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, đa số các DN CPH xong đã hoạt động tốt hơn. Tuy vậy vẫn còn một số DN CPH theo phong trào, do chuẩn bị không kỹ, không đổi mới quản trị nên vẫn bình mới rượu cũ, chất lượng đi xuống thậm chí rơi vào tình trạng phá sản, giải thể. Đó là điều không tránh khỏi. Ngược lại, DN nếu đã CPH đúng theo quy trình, chuẩn bị tốt thì họ hoạt động tốt, đứng vững trên thị trường.
Trong Đề án 929, Chính phủ đã yêu cầu CPH tạo ra sự thay đổi về “chất”, đó là phải tập trung mạnh vào đổi mới quản trị DN theo thông lệ quốc tế gắn với nguyên tắc thị trường. Luật DN quy định DN tự xây dựng nhưng với DNNN, Chính phủ đưa ra hệ thống minh bạch thông tin, giám sát tài chính rõ ràng để bắt buộc DNNN phải chủ động xây dựng hệ thống quản trị mới. Việc yêu cầu thoái vốn cũng là một động thái giúp DN đi đúng hướng, quản trị tốt hơn.
* Luật hiện đang để mở về quy định mô hình đại diện chủ sở hữu với phần vốn Nhà nước đầu tư tại DN, và vấn đề này cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Quốc hội đã thống nhất giao cho Chính phủ trình mô hình và thực hiện thí điểm. Vậy sắp tới, chúng ta sẽ có mô hình quản lý như thế nào để phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN, thưa ông?
- Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng nên hình thành một cơ quan riêng, nhưng cơ quan riêng đó phải đi cùng lộ trình tái cơ cấu DN. Hiện chúng ta còn hơn 1.000 DNNN, hết năm 2015 sẽ CPH hơn 500 DN. Tới năm 2020, khu vực DNNN chỉ còn trên dưới 100 DN. Như vậy nếu đặt ra mô hình quản lý chung như cơ quan quản lý nhà nước (cấp Bộ) lúc này là chưa phù hợp vì quy mô còn biến động nhiều. Hiện nay chúng ta đã có SCIC, cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước theo mô hình DN đang được củng cố, hoàn thiện theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để làm tốt nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Đây là mô hình rất phổ biến trên thế giới.
Bên cạnh đó, Luật vẫn thiết kế chương 5 về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu để làm rõ trách nhiệm các bên. Theo đó, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu DN, đại diện phần vốn Nhà nước ở từng cấp, từ Chính phủ, Thủ tướng đến bộ, ngành, hội đồng thành viên, đều được quy định cụ thể.
Cùng với đó, các luật khác cũng đã quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở DN. Các luật sẽ song hành cùng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và tách bạch rõ việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và việc thực hiện quyền chủ sở hữu. Khi xảy ra vấn đề thuộc trách nhiệm đã được quy định tại luật nào, việc xử lý sẽ áp dụng theo định của luật đó, tránh tình trạng lúng túng như trước đây.
* Xin cảm ơn ông ./.
Hoàng Yến