Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa IX,ấtvấntạiKỳhọpthứsuHĐNDtỉnhNhiềuvấnđềđượbảng xếp hạng bồ nhiều ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu dành cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại đây, các vấn đề cử tri quan tâm như giá cả nông sản bấp bênh; việc nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn hay vấn đề quản lý khai thác cát ở lòng sông... được giải đáp.
Đại biểu nêu nhiều ý kiến chất vấn trực tiếp liên quan đến các vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Giá thấp vì cung vượt cầu
Trong nội dung chất vấn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 6 đại biểu nêu ý kiến về vấn đề thiếu kiểm soát chất lượng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng giá thịt heo, gà, nông sản liên tục giảm và những giải pháp của ngành nông nghiệp giúp nông dân thoát khỏi tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Riêng 7 tháng đầu năm đã tổ chức 5 cuộc thanh tra, kiểm tra, cao gấp đôi so cùng kỳ, qua đó phát hiện, xử lý 38 trường hợp vi phạm trong kinh doanh.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp căn cơ trong quản lý, giám sát chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Sở đã nhiều lần kiến nghị lên bộ, ngành Trung ương đề xuất tăng mức xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, bởi mức xử phạt vi phạm trên lĩnh vực này hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Đối với tình trạng giá cả các mặt hàng nông sản còn bấp bênh, đặc biệt giá thịt heo thời gian gần đây, ông Đồng cho rằng nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, công tác quản lý quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi chưa đạt yêu cầu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, đầu năm 2017, tổng đàn heo toàn tỉnh là 148.000 con, vào thời điểm giá heo hơi sụt giảm, thị trường đã ứ đọng, Sở đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ. Đến cuối tháng 6, tổng đàn heo của tỉnh đã giảm được 18%, hiện còn 120.000 con. Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ tích cực thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi trên cơ sở quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó sẽ tăng cường giải pháp đào thải giống vật nuôi, cây trồng kém chất lượng để thay thế bằng những giống mới đạt chất lượng cao.
Về ý kiến của đại biểu và cử tri đối với tiến độ thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1000) triển khai thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, người dân gặp khó trong tiếp cận dự án, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: “Nguyên nhân là do trước đây thủ tục giải ngân vốn cho nông dân còn chậm. Để khắc phục hạn chế của Đề án 1000, kỳ họp lần này đã thông qua Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 03/2014 ngày 08/7/2014 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020, trong đó tiếp tục điều chỉnh phạm vi thực hiện đề án mở rộng ra các phường, thị trấn trong toàn tỉnh; nâng mức lãi suất hỗ trợ cho người dân...
Quan tâm nâng cấp, sửa chữa đường giao thông
Chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, đại biểu yêu cầu giải trình về tình trạng trên địa bàn tỉnh có nhiều bến đò ngang, bến thủy nội bộ hình thành tự phát không có giấy phép hoạt động, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; vị trí các bến quá gần nhau, luồng tuyến chồng cắt với nhau làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thủy, xảy ra tranh chấp gây mất an ninh trật tự.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bến khách ngang sông và quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các địa phương sắp xếp lại bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Theo đó, bến đò nào đủ điều kiện hoạt động theo quy định thì hướng dẫn cấp phép; các bến không đủ điều kiện, không đảm bảo quy hoạch sẽ hướng dẫn di dời, sáp nhập và chia tài hoạt động theo thỏa thuận nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Đại biểu cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết các giải pháp của ngành đối với việc đầu tư, nâng cấp, bảo quản các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Trả lời nội dung này, ông Long cho biết, toàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài 158,2km; 12 tuyến tỉnh lộ với trên 201km. Trong 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây mới tổng cộng gần 500km đường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông của người dân. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong tỉnh vẫn còn rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm sớm triển khai xây dựng, mở rộng một số trục đường tỉnh bức xúc; tranh thủ mọi nguồn lực và tổ chức sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp tốt với các địa phương trong thực hiện Chiến dịch giao thông - thủy lợi và trồng cây hàng năm, góp phần từng bước thực hiện hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn; vận động nhân dân quan tâm sửa chữa các tuyến đường xuống cấp.
Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát lòng sông
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, trước ý kiến bức xúc của cử tri huyện Châu Thành phản ánh về việc khai thác cát trái phép trên địa bàn, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết năm 2015 có 5 doanh nghiệp đã đầu tư trên 1,3 tỉ đồng để thăm dò, đánh giá trữ lượng cát san lấp trên sông Hậu đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở kết quả thăm dò, tháng 10-2016, UBND tỉnh cấp 5 giấy phép khai thác cát cho 5 doanh nghiệp với tổng diện là 196ha, phạm vi cấp phép giới hạn cách bờ 150m. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát đường thủy thuộc Công an tỉnh kiểm tra các phương tiện khai thác cát trên sông Hậu. Qua kiểm tra có 2 phương tiện khai thác theo giấy phép được cấp, vị trí khai thác đúng quy định, trữ lượng khai thác trung bình khoảng 90 m3/ngày, không phát hiện phương tiện khai thác trái phép.
Thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp để công tác quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông được chặt chẽ; ban hành quy định thời gian hoạt động khai thác cho các doanh nghiệp; nghiêm cấm các phương tiện khai thác về đêm...
Cử tri Trần Văn Bé, huyện Vị Thủy: - Qua theo dõi 7 vấn đề mà đại biểu đặt ra cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nội dung trả lời của lãnh đạo sở theo tôi cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, về giải pháp thời gian tới trong một số lĩnh vực mà sở quản lý, có vấn đề chưa cụ thể. Theo đó, việc quản lý giá cả hàng nông sản như tình trạng chênh lệch giữa giá mua, giá bán đối với sản phẩm thịt heo hiện nay, nguyên nhân chính từ sự phối hợp chưa tốt giữa ngành nông nghiệp và công thương thì ngành này lại không có giải pháp cụ thể. Ngoài ra, giải trình về công tác quản lý, xử lý phân bón, thuốc trừ sâu giả, giám đốc sở cho rằng việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên nhưng về chế tài xử lý theo tôi ngành chưa làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này.
Đối với giải trình của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi cho rằng chưa đi vào nội dung trọng tâm. Trong đó, nổi lên hai vấn đề, nhất là về dự án treo: Theo đó, cần làm rõ thời quan qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để thu hồi được bao nhiều dự án treo thì lãnh đạo sở chưa nói rõ với đại biểu và cử tri; thứ hai là việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân, giám đốc sở chưa trả lời vào trọng tâm là việc cấp giấy đã có những cải tiến như thế nào, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ ra sao, tôi mong rằng những vấn đề này sẽ được lãnh đạo sở tiếp tục quan tâm, làm rõ trong thời gian tới.
Cử tri Lê Hoàng Minh, huyện Phụng Hiệp: - Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của lãnh đạo cả ba ngành, tôi cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo các sở đã có nhiều giải pháp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn thì phải thực hiện đến nơi đến chốn. Như vấn đề vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu giả thì cần có hướng xử lý mạnh tay để tránh thiệt hại cho nông dân.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sạch, quản lý khai thác cát, quản lý các bến đò ngang cũng cần có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ hơn. Tôi kỳ vọng qua kỳ họp lần này, những vấn đề cử tri và đại biểu đã đặt ra sẽ được các ngành chức năng quan tâm, giải quyết thấu đáo để tạo niềm tin hơn nữa cho dân. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN - MỸ AN