Chấm dứt thời kỳ xuất bản phẩm nhất thời
Ngày 12-11-2001, skèo galatasaray UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2689/QĐ-UBND về việc thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Xuất phát từ ý chí quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc san Văn nghệ ra đời hoạt động theo giấy phép ấn phẩm xuất bản nhất thời (định kỳ 3 tháng/số) do Sở Văn hóa - Thông tin cấp trên tinh thần kế thừa đội ngũ biên tập cuốn Tập san Văn hóa thông tin Bình Phước xuất bản vào tháng 10-1999 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phú Riềng (28-10-1929 - 28-10-1999). Đặc san ra đời đã đón nhận rất nhiều bài viết, sáng tác từ phóng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, thành viên các câu lạc bộ thơ ca và tổng hợp nhiều thông tin văn nghệ trong tỉnh với nội dung phong phú.
Các thành viên Ban biên tập Tập san Văn hóa thông tin, tiền thân của Tạp chí Văn nghệ
Tháng 5-2005, đạo diễn Nguyễn Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin kiêm Trưởng Ban vận động thành lập Hội VHNT (thay nghệ sĩ Phạm Thế Sương nghỉ hưu) là người đam mê nghề báo, từng dấn thân cho tờ “Sức trẻ” của Tỉnh đoàn Sông Bé, đảm nhận vai trò chịu trách nhiệm xuất bản, nâng kỳ đặc san phát hành 2 số/tháng, trực tiếp cùng cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp Báo Bình Phước nâng cao chất lượng đặc san. Đồng thời tạo sức sống mới thu hút nhiều cộng tác viên đầu tư sáng tác, tạo sự lan tỏa để bạn đọc quan tâm và hoàn thành sứ mệnh phát hiện văn nghệ sĩ có năng lực tiến đến thành lập hội.
Ngày 22-6-2006, Đại hội Hội VHNT tỉnh Bình Phước lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2006-2011 đã bầu đạo diễn Nguyễn Tuấn giữ chức Chủ tịch hội, chịu trách nhiệm xuất bản Tạp chí Văn nghệ. Đến ngày 5-5-2010, Tạp chí Văn nghệ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động số 609/GPXB và ngày 17-6-2010, tạp chí được công bố thành lập, nhà báo Hoàng Lâm giữ chức Tổng Biên tập. Đây cũng là thời điểm chấm dứt tình trạng xuất bản phẩm nhất thời và được quy hoạch trong hệ thống báo chí của tỉnh và toàn quốc nên tạp chí đã thay đổi về chuyên trang, chuyên mục, hạn chế tối đa việc nghiệp dư hóa báo chí, lấy lại số thứ tự phát hành từ đầu. Từ đây, những cuộc thi sáng tác văn học đã dần đưa chất lượng tạp chí đến với độc giả bằng những rung động tinh tế của cảm xúc, mang hơi thở cuộc sống quê hương và con người Bình Phước.
Nhà báo Hoàng Lâm phát biểu tại lễ công bố thành lập Tạp chí Văn nghệ ngày 17-6-2010
Ngày 13-8-2015, tạp chí hoạt động theo Giấy phép xuất bản số 388/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Với sự linh hoạt và sáng tạo của Ban biên tập, tạp chí đã đề nghị Hội VHNT thành lập “Hội đồng biên tập” gồm những nhà nghiên cứu chuyên môn sâu, tay nghề sáng tác giàu kinh nghiệm cùng thẩm định, biên tập các tác phẩm của tạp chí có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật cao. Tạp chí mở thêm một số chuyên mục mới như: Di sản Bình Phước, Nhịp sống Đồng Xoài, Biển đảo - Quê hương, Góc nhìn văn nghệ... đã “khoác” lên chiếc áo mới xinh xắn hơn phục vụ độc giả và từng bước hoàn thiện Tạp chí Văn nghệ điện tử phù hợp với thời đại công nghệ số. Các số tạp chí phát hành vào dịp tết Nguyên đán, ngoài nội dung thật hay, thật sắc sảo gắn liền với phong cách báo chí văn nghệ xuân, Ban biên tập còn chủ động xin phép Cục Báo chí xuất bản cho thay đổi kích thước khổ lớn hơn, số trang và in 4 màu giúp sản phẩm thêm trang trọng, hấp dẫn.
Nhịp cầu kết nối độc giả với văn nghệ sĩ
Có thể khẳng định, những năm qua, Tạp chí Văn nghệ luôn thực hiện 2 phần việc then chốt, đó là đảm bảo tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời và là nơi “ươm mầm”, giới thiệu - khơi gợi nguồn sáng tác; nhịp cầu kết nối giữa độc giả với văn nghệ sĩ; bồi dưỡng những cây bút khởi nghiệp bằng đam mê, xây dựng “lâu đài chữ nghĩa” đẹp về phong cách, ngôn ngữ, giá trị về nội dung, thông điệp giáo dục rõ ràng, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. Tạp chí cùng hệ thống báo chí khu vực Đông Nam Bộ thực hiện kênh quảng bá về quê hương, con người Bình Phước, những đổi thay tích cực. Nhất là bám sát yêu cầu phát triển văn hóa trong 3 trụ cột “đa dạng, bản sắc và hội nhập”; phát huy sự ưu việt, phẩm chất tốt đẹp và đặc tính nổi trội của người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo” theo Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030 và định hướng năm 2045.
Tạp chí Văn nghệ đã không ngừng nỗ lực giới thiệu khối lượng lớn tác phẩm văn chương (cả âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc và mỹ thuật) nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc và quảng bá hình ảnh đẹp về Bình Phước. Trên Tạp chí Văn nghệ, tác phẩm văn học cũng là tác phẩm báo chí, đã cung cấp những thủ pháp nghệ thuật, chất liệu văn chương quý báu trong sáng tạo tác phẩm báo chí mang phong cách riêng. Đặc biệt, để chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào cuộc sống, tạp chí đã và đang làm mềm hơn, dễ nhớ hơn nội dung bằng văn xuôi, chủ đề - khẩu hiệu, âm nhạc, tranh cổ động gần gũi, gắn bó với hơi thở cuộc sống…
Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật và đại diện thư ký các chi hội nhà báo chụp hình lưu niệm tại Ðại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn nghệ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2022
Đặc thù của Tạp chí Văn nghệ không có nhiều phóng viên và hoạt động nhờ lực lượng biên tập viên và cộng tác viên. Hiện số lượng cộng tác viên của tạp chí rất nhiều và đều khắp cả nước, nổi bật là các nhà nghiên cứu, giáo sư, nhà báo, như: PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện; nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn; Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc; nhà thơ Hoàng Quý… Trong tỉnh có các nhà báo Phan Minh Hoàng, Diệp Viên, Linh Tâm, Nguyễn Thị Minh Nhâm; báo cáo viên Trung ương Vũ Tiến Điền, Phan Duy Khiêm; các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… đang công tác tại các sở, ban, ngành trong tỉnh và rất nhiều cộng tác viên là các nhà báo đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.
Bên cạnh lực lượng cộng tác viên, các biên tập viên Tạp chí Văn nghệ cũng thường xuyên nghiên cứu, tự học, tự rèn để nâng cao trình độ nghiệp vụ; nghiêm túc lắng nghe các tác giả, cộng tác viên, độc giả... Kết quả đó là những lợi thế để xây dựng tạp chí phong phú về nội dung, đẹp về phong cách biểu đạt.
Nghề nào cũng vậy, muốn thành công thì cần có người “truyền lửa”, dẫn dắt, kết hợp với sự đam mê cháy bỏng của mỗi cá nhân. Trong VHNT thì khó hơn bởi ngôn ngữ phải được bàn tay và khối óc tài hoa, tài năng mới kết tinh được, bằng không chỉ là người sắp đặt, gán ghép. Do đó, nếu Ban biên tập chỉ dùng biện pháp “đặt hàng” là chưa đủ mà phải biết khơi gợi, khai thác tối đa các kho tư liệu tri thức liên quan trong sâu thẳm tâm hồn mỗi tác giả thì mới đón nhận được tác phẩm chạm đến trái tim người đọc.