Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, cả 2 sẽ cùng thua | |
Điều gì đã xảy ra với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung? | |
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang chương mới | |
Nỗi lo bùng phát chiến tranh tiền tệ từ xung đột thương mại Mỹ-Trung |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6/2019. Ảnh: CNBC. |
Việc Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ và động thái đáp trả “gấp năm gấp mười” của Tổng thống Trump ngay sau đó cho thấy, cuộc chiến thương mại đang leo thang sẽ khó có giải pháp hạ nhiệt sự thù địch.
Quyết chơi đến cùng?
Một bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo ngày 24/8 nói rằng, Trung Quốc có đủ lực để tiếp tục đáp trả, đồng thời cho rằng Mỹ đang hy sinh lợi ích của chính người dân của mình.
Bài báo cho rằng, việc Trung Quốc tăng thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ như đã tuyên bố ngày 23/8 là nhằm đáp trả những động thái đơn phương leo thang cuộc chiến thương mại của Washington và Bắc Kinh sẽ quyết “chơi đến cùng”. Theo tuyên bố này, mức thuế đối với năng lượng, linh kiện ô tô và cả đậu nành của Mỹ sẽ được nâng lên 10%.
Ngay sau tuyên bố tăng thuế của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ nâng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump thậm chí còn coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như “kẻ thù” và kêu gọi các công ty Mỹ chấm dứt làm ăn với Trung Quốc.
“Trung Quốc lẽ ra không nên áp thuế với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị áp thuế 25% sẽ bị nâng lên mức 30% từ ngày 1/10 tới. 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, được lên kế hoạch áp thuế 10% từ ngày 1/9 giờ sẽ bị áp thuế ở mức 15%”, ông Trump tuyên bố trên Twitter ngày 23/8.
Những tuyên bố trước đó cùng ngày của ông Trump còn bao gồm cả việc “ra lệnh” cho Amazon, Federal Express, UPS và các công ty khác tìm kiếm “thuốc giảm đau” để chuyển công việc làm ăn khỏi Trung Quốc.
Điều này đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,6%, mất hơn 600 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 3%.
Phòng Thương mại Mỹ cùng các hiệp hội công nghiệp khác đã phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự “thù địch”.
“Tổng thống, chúng tôi cầu khẩn ngài hãy chấm dứt cuộc chiến thuế quan này trước khi nó gây ra những tổn hại không thể khắc phục được”, Brian Dodge, người điều hành văn phòng Hiệp hội lãnh đạo các nhà bán lẻ công nghiệp nói sau tuyên bố tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
“Các đòn leo thang thuế quan của Tổng thống đã làm chao đảo thị trường Mỹ. Nếu bất ổn lan rộng, chắc chắn là người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ bị tác động”, Dodge nói.
Tuy nhiên, một động thái hạ nhiệt trong chuỗi thù địch thương mại này khó có khả năng xảy ra do cả 2 bên đều không thấy bất cứ lợi ích chính trị nào để đưa ra nhượng bộ, theo Bill Reinsch, một cố vấn cấp cao về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington.
Ian Bremmer, Chủ tịch một công ty tư vấn chính trị có trụ sở ở New York cũng đồng tình với quan điểm này.
“Ông Trump thực sự không muốn nền kinh tế bị ì ạch” Bremmer nói trên Twitter ngay sau khi có thông tin về đòn thuế quan mới nhất của Mỹ.
“Nhưng nếu ông ấy tiếp tục đối đầu với Trung Quốc, ông ấy sẽ có thêm điểm trước các cuộc bầu cử. Điều này thậm chí cho thấy sẽ sớm có thêm sự leo thang từ Mỹ”.
Tìm lựa chọn thay thế Trung Quốc có dễ dàng?
Các tuyên bố ngày 23/8 của ông Trump không nó rõ khi nào các công ty Mỹ sẽ tuân thủ “mệnh lệnh” của ông và họ sẽ phải làm như thế nào để tìm kiếm một “lựa chọn thay thế Trung Quốc”.
"Các công ty lớn của Mỹ đã được yêu cầu phải ngay lập tức tìm kiếm các lựa chọn khác thay Trung Quốc, trong đó có cả việc chuyển các công ty về Mỹ, để sản xuất hàng hóa tại Mỹ”, ông Bremmer cho biết.
Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp Mỹ lại đang cố tìm cách bảo vệ chuỗi cung cấp với Trung Quốc.
“Suốt 2 năm rưỡi qua chúng tôi đã được hứa hẹn về cách tiếp cận mới và sáng tạo, nhưng những gì chúng tôi nhận được là một chiến lược thương mại kiểu những năm 1930 vốn đã gây ra thảm họa cho người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế Mỹ”, Rick Helfenbein, Chủ tịch Hiệp hội Quần áo và Giày dép Mỹ lên tiếng sau tuyên bố tăng thuế của ông Trump.
“Tổng thống nói rằng ông muốn các doanh nghiệp Mỹ chấm dứt làm ăn ở Trung Quốc, thế nhưng ông ấy dường như không hiểu rằng việc di chuyển một chuỗi cung cấp là điều vô cùng phức tạp và tốn kém.
“Phải mất hàng năm để có thể xây dựng các mối quan hệ có thể đáp ứng tiêu chuẩn và phân phối hàng hóa chất lượng, trong khi chúng tôi lại chỉ được cho vài tuần và trong trường hợp này là vài ngày”, ông Helfenbein nói.
Thương chiến khi nào có hồi kết?
Các đòn thương chiến “thẳng tay” với Trung Quốc lâu nay được xem là một cách xây dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo cứng rắn trước Trung Quốc của ông Trump, nhằm tăng khả năng tái đắc cử. Bởi vậy, đòn thuế quan mới nhất cũng có thể được hiểu là sự tính toán nhiệm kỳ của ông Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đang đến gần.
Người phải đối mặt với cuộc bầu cử là ông Trump, không phải ông Tập và đây là một yếu tố quan trọng đối với những tính toán của Trung Quốc. Trung Quốc có thể tính toán rằng, Trump sẽ không thể trụ được sức nóng chính trị của thương chiến khi cuộc bầu cử 2020 đang đến gần và buộc phải quan tâm đến việc “lùi một bước” khỏi bờ vực.
Lợi dụng điểm này, Trung Quốc đã nhắm vào nông nghiệp – ngành đặc thù của Midwestern, một bang chiến địa mà ông Trump cần để tái đắc cử.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể đem lại lợi thế nào đó về chính trị cho ông Trump trước thềm cuộc bầu cử 2020, nhưng nó cũng đe dọa làm tổn hại thêm nền kinh tế Mỹ khi mà Trung Quốc không ngại đáp trả tới cùng.
“Điều này đã trở thành một quá trình không có mục tiêu cụ thể, không có chiến lược cụ thể và cũng không có điểm kết cụ thể. Thương chiến càng kéo dài sẽ càng làm ảm đạm thêm bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nó khiến bất ổn mới chồng chất lên những bất ổn hiện hữu”, Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung đánh giá.