【bong đá truc tiep】U70 hăng say lao động
(CMO) Nhiều người đã quen với hình ảnh một cụ bà tóc bạc, lưng còng vì tuổi cao nhưng vẫn miệt mài lao động sản xuất kiếm thêm thu nhập cho gia đình, đó là bà Trần Mỹ Ngọc, Khóm 5, phường Tân Thành, TP Cà Mau.
“Con cái về chơi, thấy tôi làm tụi nó la dữ lắm. Tụi nó nói tôi lớn tuổi rồi nghỉ ngơi cho khoẻ. Mà tôi ở không là tôi không có khoẻ, làm cả ngày vậy mà thấy tinh thần vui vẻ, tay chân cũng nhanh nhẹn hơn. Mặc dù hiện nay, cuộc sống đã ổn định, nhà cửa đã khang trang nhưng máu nông dân lao động chân tay đã ăn sâu vào máu thịt của mình rồi”, cụ bà U70 Trần Mỹ Ngọc bộc bạch.
Bà Ngọc chăm chút cắt rau má giao cho khách. |
Mùa khô hạn kéo dài vậy mà luống rau má trước sân nhà bà Ngọc vẫn xanh mướt. Mỗi luống rau được bà Ngọc luân phiên cắt và chăm sóc để phục vụ khách hàng. Mấy năm qua, nhờ đám rau má này mà hàng tháng mọi chi tiêu trong gia đình bà Ngọc không cần phải lo nữa. Với bà Ngọc, việc trồng trọt không chỉ giúp gia đình bà trang trải cuộc sống kinh tế, mà đây còn là cách bà sống trọn vẹn với bản chất nông dân lam lũ, chịu khó của mình.
Mỗi ngày, ngoài những lúc bận bịu cơm nước, may vá thì thời gian còn lại bà Ngọc đều chăm chút cho vườn rau trước sân. Loay hoay bên rổ rau vừa mới cắt, bà Ngọc cẩn thận nhặt từng cọng cỏ, miếng đất sót lại, rồi gói ghém từng bọc chuẩn bị giao cho khách.
Bà Ngọc cho hay: “Hôm nào khách điện đặt rau thì tôi mang tới nhà luôn. Không có ai dặn thì tôi cắt mang ra chợ bỏ cho mối. Rau sạch nhà mình trồng nên chăm chút kỹ, mà mỗi ký có 20.000 đồng nên bà con đặt mua liên tục”.
Ngoài trồng rau màu, lúc rảnh rang bà Ngọc còn tận dụng vải may thảm. Mỗi tấm thảm được bà nâng niu và may tỉ mỉ từng đường chỉ. Thảm bà Ngọc may không chỉ để sử dụng trong gia đình mà còn bán cho các tiệm tạp hoá. Mỗi tấm thảm có giá từ 40.000 đồng trở lên nhưng bà Ngọc dành cho nó bằng cả sự đam mê của người thợ may. “Ngày trước tôi có nghề may mền, cắt vải vụn ra rồi kết lại từng miếng làm thành cái mền. Con cái đứa nào có gia đình cũng cho tụi nó một cái. Giờ người ta không còn xài kiểu mền đó nữa nên tôi chuyển sang làm thảm”, bà Ngọc phân trần.
Bà Ngọc còn có hơn chục công đất nuôi cá. Tiền lời từ mỗi vụ cá chình bà tích luỹ, ít khi sử dụng đến. Việc sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày đều nhờ việc bà trồng rau, may thảm. Nhờ chí thú làm ăn, vợ chồng bà Ngọc đã nuôi được 2 người con ăn học đến nơi đến chốn. Con cái thành đạt, kinh tế ổn định, ở tuổi xế chiều bà Ngọc vẫn cần cù lao động như thời gian khó mấy chục năm trước. Năm 2019, bà Ngọc vinh dự được chị em phụ nữ phường Tân Thành biểu dương điển hình về tinh thần vượt khó, cần cù trong lao động sản xuất.
Phó chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thành Trần Như Thảo cho biết: “Thời gian qua, phong trào thi đua lao động sản xuất của Hội LHPN phường phát động được chị em hưởng ứng rất tích cực. Trong đó có nhiều hội viên dù đã lớn tuổi nhưng vẫn hăng say lao động, tiêu biểu như cô Ngọc. Hội LHPN phường đã chọn cô Ngọc là tấm gương điển hình để chị em trong hội học tập, làm theo”./.
An Kỳ