【kết quả trận oman】Vương vấn nghề thêu tay
(CMO) Nói không ngoa, những người thợ hành nghề thêu tay còn làm trên địa bàn tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thuở trước, nghề này một thời hưng thịnh, nhưng giờ đang dần mai một theo thời gian vì sức cạnh tranh của công nghệ, máy móc.
Ròng rã cả tuần lễ dò hỏi ở nhiều địa phương và các trung tâm dạy nghề trong tỉnh mong tìm gặp người thợ thêu tay nhưng đều nhận được cái lắc đầu: “Người ta bỏ nghề hết rồi”. Không nản lòng, tôi lại tiếp tục kiếm tìm. Trời không phụ lòng người, tôi đã tìm được người còn lưu giữ nghề truyền thống thêu tay ngay giữa lòng thành phố.
Nghề chọn mình
Thỉnh thoảng bà Ửng mới nhận hàng, phần nhiều thêu để tặng người thân. |
Dù có khéo tay hay đam mê đến đâu đi nữa, muốn trụ với nghề phải có khách hàng. Cũng chính vì lý do đó, những người thợ thêu tay ở nông thôn lần lượt bỏ nghề để tìm việc khác làm kế sinh nhai. May mắn hơn bao người, bà Nguyễn Thị Ngọc Ửng, 66 tuổi, có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, lại sống ngay ở nội ô thành phố nên có điều kiện theo đuổi nghề yêu thích.
Người thợ “già” bỏ ngang bữa cơm trưa để kể về nghề trong sự hoài niệm hăng say, phấn khích. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ửng, chủ một cửa tiệm may, thêu không tên tại số 21A, đường Phan Ngọc Hiển, Phường 5, TP Cà Mau đã có hơn 30 năm làm nghề thêu. Bà kể: “Trong chương trình học lớp 3 thuở trước có môn kỹ thuật dạy thêu tay cho học trò. Do được thừa hưởng năng khiếu bẩm sinh và sự chỉ dẫn thêm của bà ngoại, tôi đã thêu được những hoạ tiết nhỏ trên khăn tay, túi xách tự làm… và luôn là người có số điểm cao nhất lớp. Và rồi, niềm đam mê đó ăn sâu vào máu tự bao giờ không biết, tôi cặm cụi xỏ từng đường kim chữ thập để thêu bông hoa, chim én, thêu tên… lên vải để tặng bạn bè và người thân”.
Tưởng chừng những nét thêu của người học trò nhỏ năm nào cũng chỉ là sở thích nhất thời của trẻ thơ, nhưng đâu ngờ cả cuộc đời bà Ửng lại gắn liền với nghề thêu tay này. Tốt nghiệp lớp 12, gia đình bà định hướng học nghề may ở tiệm may nổi tiếng nhất nhì thị xã Cà Mau thời đó. Thời điểm này, nghề may - thêu “hot” nhất. Vốn thông minh, học đâu nhớ đó nên chưa hết thời gian học, bà đã được thầy giáo đặc cách cho ra nghề. Mở hẳn một cửa tiệm may nhưng chẳng bao lâu bà lại nhớ nghề thêu tay da diết. Bà nhận thêu chiếc áo lam đầu tiên của chủ một tiệm cơm chay. Sau hơn 7 ngày cật lực, bà Ửng đã hoàn thành sản phẩm đầu tay. Hoạ tiết trên áo đẹp xuất sắc vượt tầm mong đợi, người khách đó trở lại với những đơn hàng số lượng nhiều hơn, cùng với đó là giới thiệu liên tục cho bạn bè, người thân đặt hàng. Thế là, người này truyền tai người kia, cửa tiệm không tên đông khách đến mức bà Ửng chỉ có thể ngồi cả ngày cả đêm với chiếc bàn căng và những sợi chỉ.
Gắn đời với mũi thêu
Từ những mũi thêu cơ bản, bà bắt đầu khám phá những cách thêu phức tạp hơn để tạo độ bóng và chiều sâu của từng hoạ tiết. Bà Ửng cho biết thêm, ban đầu tập thêu chỉ thêu được mũi thêu cành cây, sau đó là mũi đột kích, đâm xô, mũi chữ thập, mũi chỉ nguyên tép, mũi chữ cong… Càng ngày, người thợ thêu tự sáng tạo và nâng cấp tay nghề lên bậc mới. Theo thời gian, khách hàng ưa chuộng những hoạ tiết to hơn nên người thợ thêu đỡ kỳ công xỏ chỉ hơn trước vì thường đi chỉ nguyên tép”.
Nghề thêu tay “sống” lại, bà Ửng bắt đầu nhận học trò. Song hành với đó, bà sắm thêm vài bàn thêu máy để nhận thêu gối cưới, màn cưới… Tuỳ theo yêu cầu của khách hàng, trong một bộ trang phục, bà có thể kết hợp giữa hoạ tiết thêu máy và thêu tay. Học trò của bà lần lượt ra nghề, theo thời gian, người vẫn bám trụ, người thì không. Rồi xã hội phát triển, mặt hàng quần áo may sẵn ồ ạt tung ra thị trường. So với bộ trang phục được in hình hoạ tiết sẵn thì thêu tay đắt hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, khách hàng lần lượt thưa dần, một phần vì kinh tế, phần khác họ thích chạy theo mốt, thời trang của thời đại. Nghề thêu đành... thất sủng.
Với mong muốn kéo lại khách hàng, bà Ửng bắt đầu kết hợp giữa thêu tay và kết cườm lên trang phục. Duy trì với nghề mấy mươi năm, khách hàng đến với bà đều là chỗ thân quen. Bà Ửng tâm sự: "Mặc dù tuổi đã xế chiều nhưng khách đặt hàng cỡ nào tôi cũng phải làm. Lắm lúc nhớ nghề, tôi cũng đem kim chỉ ra thêu hoa trên áo dài để tặng người thân, bạn bè hoặc thêu gối cưới, màn cưới tặng con cháu trong dịp lễ vu quy, tân hôn.
Đăm chiêu nhìn sản phẩm đã từng thêu từ lúc mới chập chững mới vào nghề đến tận bây giờ, bà Ửng chỉ rõ cho chúng tôi nhận biết về các đường thêu tay và những kỷ niệm xưa cũ. Các con bà đều có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống dư dả nên không ai nối nghiệp mẹ. Chẳng thể làm gì hơn, bà Ửng ngậm ngùi xếp gọn gàng những kỷ vật cất vào ngăn tủ như giữ gìn báu vật./.
Ngọc Trầm