Bệnh tim là một căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng con người và có thể xảy ra ở tất cả các độ tuổi. Tuy nhiên,ầnchủđộngtrongphthiệnbệkêt quả.net kiến thức về cách phòng và nhận biết bệnh tim của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.
Cán bộ y tế đang kiểm tra sức khỏe cho cô Thu.
Cô Lê Thị Sung, ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi không biết các triệu chứng cũng như cách phòng tránh bệnh tim. Bởi tôi ít khi bị bệnh và sức khỏe rất tốt”. Thực tế, có nhiều người vẫn còn quá thờ ơ và chủ quan với sức khỏe bản thân đặc biệt là bệnh tim, đến khi phát bệnh thì phần lớn đã nặng nên gặp khó khăn trong điều trị. Ngày nay do nhiều yếu tố tác động như ăn uống không phù hợp, áp lực công việc, ảnh hưởng môi trường… nên nhiều người dễ dàng mắc phải các bệnh lý mạch vành, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim.
Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu, ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh, bệnh tim hơn một năm nhưng không phát hiện mà cứ nhầm lẫn là bị viêm dạ dày. Bà Thu nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn tháng nay và người nhà phải thay phiên chăm sóc, phần nào gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Bà Thu chia sẻ: “Thấy cơ thể mệt nên cứ ra tiệm mua thuốc uống nhưng đâu nghĩ mình bệnh tim. Hiện giờ, tôi không thể nằm lâu vì sẽ khó thở và việc ăn uống cũng gặp khó do mất cảm giác ngon miệng”. Do thiếu kiến thức về bệnh tim, nên khi xuất hiện một vài triệu chứng bệnh thoáng qua người dân thường ít khi quan tâm đến. Vì vậy, khi bệnh trở nặng họ mới tìm gặp bác sĩ. Điều này làm quá trình điều trị trở nên khó khăn, không đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là tăng thêm gánh nặng chi phí cho gia đình.
Bệnh tim được chia làm hai loại chính: là tim bẩm sinh (thường gặp phải ở trẻ nhỏ) và tim do mắc phải (gặp ở tất cả các đối tượng). Bệnh lý về tim đang ngày càng trẻ hóa do sự phát triển của xã hội, điều kiện sống và môi trường làm việc bên ngoài tác động. Đặc biệt, người cao tuổi; người thừa cân, béo phì; người bị mỡ trong máu; người bị tăng huyết áp,… là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Những đối tượng nằm trong các trường hợp trên cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe nhằm có những biện pháp điều trị thích hợp.
Ngoài trường hợp của cô Sung và bà Thu, thì ông Đặng Văn Bảy, ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cũng là một minh chứng cụ thể. Ông Bảy vừa hồi phục sau một thời gian dài điều trị do bị tai biến. Hàng ngày, ông phải uống thuốc trợ tim và tăng huyết áp để điều chỉnh sức khỏe. Nhưng, khi hỏi ông những kiến thức liên quan về bệnh tim thì ông hoàn toàn không biết. Ông Bảy nói: “Tôi chỉ biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Tim tôi rất khỏe nên chắc là không bị bệnh”.
Việc nhận biết các triệu chứng của bệnh tim là vấn đề vô cùng cần thiết, để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời nhằm hạn chế những nguy hiểm đối với người bệnh. Nhịp tim đối với người bình thường là từ 60 đến dưới 100 nhịp/phút. Đa số các bệnh nhân bị tim mắc phải sẽ có những biểu hiện như: mệt, hồi hộp, đánh trống ngực và có cảm giác nặng ở ngực trái,… Còn riêng các trường hợp tim bẩm sinh, khi sinh ra trẻ sẽ thở yếu và tím tái một số bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể.
Theo BSCKII Lê Thị Cương, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để phòng các ảnh hưởng của bệnh tim, người dân cần thực sự hiểu về bệnh. Mọi người nên tạo cho mình một thói quen ăn uống hợp lý và điều độ. Không nên ăn mặn và mỡ động vật, không sử dụng nhiều rượu, bia và các chất kích thích,… Nên ăn nhiều trái cây, các loại thực phẩm giàu chất xơ. Đặc biệt, nên có thói quen tập thể dục, làm việc điều độ, hạn chế căng thẳng và sống lành mạnh… để có sức khỏe tốt và một trái tim khỏe mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG