Ngành du lịch Huế làm việc với Công ty Bến Thành Tourist (Ảnh Sở Du lịch cung cấp)
Quên những “đối tác” lớn
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch,ầnchủđộngphốihợpquảngbávớicácônglớkq c1 chau a gần đây, ngành nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ phía các DN trên địa bàn. Nhận thức của nhiều DN thay đổi, một số DN còn chủ động phối hợp, chứ không như trước đây thường “lơ” khi được đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, trong các hội chợ du lịch trong và ngoài nước gần đây đều có sự tham gia khá đông đủ DN, cả lữ hành và lưu trú. Có DN còn “chịu chơi”, đưa cả đoàn nhân viên đi để quảng bá chung cho ngành du lịch Huế.
Ngoài các chi nhánh, văn phòng đại diện, DN du lịch của Huế đa số vừa và nhỏ, nguồn lực kinh tế không mạnh. Các chi nhánh thường đứng ngoài “cuộc chơi” vì họ đã có tổng công ty thực hiện công tác xúc tiến quảng bá. Trung tâm Xúc tiến du lịch cho biết, với nguồn lực đang có, việc quảng bá trong nước và một số nước trong khu vực Đông Nam Á được thực hiện khá tốt. Nhưng vẫn chưa thể tăng tần suất quảng bá đến các thị trường mới, tiềm năng như ở châu Âu hay châu Mỹ, và nếu có thì cũng chỉ theo dạng “ký gửi” Tổng cục Du lịch như nhiều năm qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng hiệu quả việc quảng bá, du lịch Huế cần phải chủ động đến “gõ cửa” từng DN lớn, như: Saigontourist, Vietravel, Công ty Du lịch Việt, Bến Thành Tourist… và đặt vấn đề cho sự phối hợp. Với nguồn kinh phí vào khoảng 3-5% doanh thu hằng năm để xúc tiến quảng bá thì các DN lớn hầu như có thể quảng bá đến các thị trường mong muốn. Như quảng bá đến các dòng khách đi tàu biển, du lịch Huế không đủ nguồn lực để thực hiện, cách hiệu quả hơn hết là phối hợp với Saigontourist. Xã hội hóa là điều bắt buộc, nhưng chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương thì e khó mà có những đột phá.
Ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Huế cho biết, đối với chi nhánh chủ yếu có chức năng giao dịch với khách đặt tour. Còn việc quảng bá, đánh giá thị trường… là do tổng công ty thực hiện. Ngành du lịch Huế có những phối hợp quảng bá thì phải làm việc với tổng công ty.
Sở Du lịch nhìn nhận, các DN du lịch hàng đầu hiện nay chính là những đối tác lớn mà du lịch Huế đã “bỏ quên” trong nhiều năm qua. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch cho hay, qua những chuyến hội chợ đầu năm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch đã có những cuộc làm việc với các hãng lữ hành hàng đầu trong nước, để đặt vấn đề phối hợp. Trong các cuộc làm việc đó, các hãng lữ hành cho rằng “Huế đơn điệu các sản phẩm” nên họ ít có lựa chọn trong thiết kế tour tuyến, dẫn đến không đưa Huế vào các kế hoạch quảng bá.
Khi nghe ngành du lịch Huế giới thiệu một loại sản phẩm du lịch ngoài di sản, các DN lớn hai đầu đất nước cho rằng, những thông tin này chỉ mới biết đến. Vì sao các sản phẩm hấp dẫn như thế, đã khai thác một thời gian dài mà Huế lại không tăng cường quảng bá để các DN biết và chủ động đưa vào tour tuyến.
Du khách đi tàu biển cập cảng Chân Mây
Cần chủ động hơn
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhấn mạnh, trong phát triển du lịch, quảng bá là công tác quan trọng hàng đầu. Chỉ khi quảng bá hiệu quả mới tiến tới hoàn thiện các dịch vụ, tăng cường chất lượng. Có một quan điểm chưa đúng của du lịch Huế về quảng bá du lịch và cần thay đổi là chỉ cần làm tốt sản phẩm, đầu tư dịch vụ thì sẽ có khách đến. Sự thật không phải vậy, làm tốt mà không để cho du khách biết thì làm sao họ đến Huế để sử dụng các dịch vụ đó.
Đơn cử như du lịch tàu biển, ngành du lịch Huế rất quan tâm, đẩy mạnh khai thác. Nhưng có một con số từ cảng Chân Mây sẽ khiến nhiều người không thể tin. Gần đây, một chuyến tàu biển đưa hơn 4.000 khách cập cảng Chân Mây; trong đó, 2.500 xuống tàu đi tham quan, nhưng chỉ có 18 khách đi TP. Huế, còn lại đi Đà Nẵng và Hội An. Trong khi đó, các báo cáo thống kê về lượng khách vẫn ghi đủ 4.000 khách tàu biển đến Huế. Đó đúng là con số đến Huế, nhưng chỉ điểm dừng chân, chứ hiệu quả và mức độ tiêu tiền của khách tàu biển cho Huế gần như không đáng kể. Nguyên nhân được phía DN chuyên khai thác du lịch tàu biển là trong tay họ, Huế chỉ có một tour tham quan di sản, còn các địa phương khác có đến 4-5 tour.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, trong các cuộc làm việc với DN ở hai đầu đất nước, khi nghe họ nói du lịch Huế đơn điệu, chỉ có di sản, thiếu các sản phẩm khác thì các thành viên đi theo đoàn đã phải “giật mình”. Đây là tồn tại mà ngành du lịch cần sớm khắc phục. Thời gian đến, sự chủ động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên hơn. Ngành sẽ chủ động cung cấp thông tin cho các lữ hành này biết để có sự quảng bá hiệu quả.
Xã hội hóa luôn từ hai phía và cùng nhau có lợi, khi các DN bỏ kinh phí hỗ trợ thì họ phải được quyền lợi nào đó. Trong kinh doanh sẽ không có từ gọi là “giúp không công”. Ông Đinh Mạnh Thắng góp ý, về lâu dài, cần thu hút được các “ông lớn” về Huế, khi đó sự phối kết hợp được thường xuyên và chặt chẽ hơn. Để thu hút, ngành du lịch Huế cần có những cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho họ về thuế, mặt bằng… đổi lại họ sẽ quảng bá cho Huế và đưa khách về tiêu tiền.
Bài, ảnh: Đức Quang