【kq celtic】Yêu thương ở Trường Hy Vọng
(CMO) Những ngày tháng 6, trong cái nắng đỏ lửa của miền Trung, tôi có dịp được tháp tùng cùng đoàn đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ về thăm Trường Hy Vọng (Hope School) tại TP Đà Nẵng. Xuất phát từ ý tưởng của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, với mục tiêu nuôi dưỡng, đào tạo khoảng 1.000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19 trên khắp cả nước, ngôi trường trở thành địa chỉ đỏ nhân văn, mái ấm hy vọng của nhiều cảnh đời trẻ thơ không may mắn.
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Dự án Hope School, thông tin: “Hiện tại, ở giai đoạn đầu tiên của dự án, nhà trường đã đón 34 học sinh từ nhiều địa phương về để nuôi dưỡng, đào tạo. Ở đây, các em sẽ được sống trong tình yêu thương, điều kiện ăn ở, học hành chu đáo. Mong mỏi của những người thực hiện dự án là chia sẻ những mất mát, thiệt thòi của các em, giúp các em có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua những biến cố, cùng thắp lên hy vọng về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai”.
Trường Hy Vọng sẽ nuôi dưỡng, đào tạo cho khoảng 1.000 em học sinh mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 trên khắp cả nước do Tập đoàn FPT bảo trợ. |
34 học sinh của nhà trường là 34 cảnh đời riêng, đủ lứa tuổi từ mầm non đến sắp vào giảng đường đại học. Trong số đó, có nhiều em đã mất cả cha lẫn mẹ vì đại dịch Covid-19. Dự án Hope School với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đã len lỏi về nhiều địa phương khắp cả nước ròng rã 3 tháng trời để tìm và đưa các em về tổ ấm mới.
Tận mắt thấy điều kiện ăn, ở, học hành và tình yêu thương của thầy cô giáo dành cho những học sinh đặc biệt này, mới thấy rằng trong cuộc đời này, vẫn còn đó thắm thiết, nồng ấm những giá trị nhân văn của lương tri, của tình người.
Hôm ghé thăm trường, các em đã chuẩn bị sẵn ngoài góc công viên xanh sân trường một cây đàn piano, đồng phục màu xanh, đội ngũ chỉnh tề. Theo nhịp hiệu lệnh của các thầy cô giáo, giai điệu của bài hát “Hạt gạo làng ta” trầm bổng vang lên. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có mặt hôm ấy, cũng chính tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta”, sững người, xúc động.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa say mê đọc thơ tặng các em học sinh Trường Hy Vọng. Đây là lần đầu tiên các em học sinh nơi đây được gặp nhà thơ thần đồng của lứa tuổi thiếu nhi Việt Nam bằng xương, bằng thịt trong sự háo hức, vui mừng. |
Bài hát đã kết thúc rồi, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bước lên nói: “Các cháu hát hay lắm, chắc nhiều cháu ở đây chưa được gặp Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả bài thơ mà các cháu vừa hát, bằng xương, bằng thịt. Đây, Trần Đăng Khoa, nhà thơ mà các cháu yêu quý đây”.
Thế là các em học sinh vây quanh Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong cảm xúc vỡ oà vui sướng, ngỡ ngàng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa như trở về tuổi ấu thơ, hồn nhiên gọi các bạn và xưng hô “cậu - tớ”. Nhà thơ nói với các bạn của mình phải ăn ngoan, ngủ khoẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chăm chỉ học hành. Nhà thơ “thần đồng” viết cho lứa tuổi thiếu nhi bằng sự rung động sâu sắc, đọc những bài thơ mà các em đã thuộc nằm lòng. Cả không gian chỉ còn lời thơ dìu dặt và những ánh mắt tròn xoe, trong vắt.
Đến với các em Trường Hy Vọng, Hội Nhà văn Việt Nam mang theo lời cam kết: “Tất cả các loại sách vở, văn phòng phẩm phục vụ cho việc học tập của nhà trường, bằng các nguồn vận động hội sẽ đồng hành và chu toàn tất cả”. Nhưng với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Vật chất chỉ là phương tiện, chỉ có tình yêu thương của con người với nhau mới là cách để cuộc sống này đáng sống hơn. Các em hãy sống, sống tốt, sống đẹp, sống thay phần cuộc đời cha mẹ của các em. Sống vì tương lai của đất nước này”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với quà tặng đặc biệt của các học sinh Trường Hy Vọng, Đà Nẵng là bức chân dung được nung bằng đất. |
Ở những góc nhỏ sân Trường Hy Vọng hôm ấy, những tác giả trẻ từ khắp mọi miền đất nước đã bồi hồi, thổn thức, tìm thấy cho mình giây phút lắng đọng về câu hỏi lớn: “Vì sao chúng ta viết?”. Không chỉ văn chương, ở mái trường này, còn vẳng lên những câu hỏi của chân giá trị cuộc đời: “Vì sao chúng ta sống?” và “Chúng ta phải sống như thế nào cho xứng đáng?”...
Tác giả Tạ Ngọc Điệp, ở Gia Lai, rưng rưng nước mắt, chia sẻ: “Quả thật, mình còn quá may mắn trong đời sống này. Ở ngôi trường này, mỗi em đều trải qua những biến cố lớn lao. Ngôi trường này sẽ là hy vọng của các em, cũng là nơi tình yêu thương toả sáng. Nếu không có những mái ấm như thế này, tôi không dám nghĩ tới cuộc đời các em, tương lai của các em sẽ về đâu”.
Trong số học sinh ở đây, chị Điệp chú ý một em gái nước da ngăm đen, đôi mắt to tròn, chị hỏi han. Em mất mẹ vì đại dịch Covid-19, chị Điệp ân cần chép địa chỉ, số điện thoại của mình và dặn dò: “Em sắp thành thiếu nữ rồi, không có mẹ, sẽ có chị đồng hành, có gì riêng tư, thầm kín cứ hỏi chị nhé!”. Cứ thế, những địa chỉ gởi trao nhau sự tin cậy, thương yêu.
Tác giả Tạ Ngọc Điệp, Gia Lai, ghi địa chỉ liên hệ cho một em học sinh Trường Hy Vọng với mong muốn gắn bó, đồng hành, san sẻ cùng em trong tương lai. |
Một em học sinh bé nhỏ nhất của trường nói với các cô, chú ước ao của mình: “Con muốn một con gấu bông màu trắng, một chiếc đầm màu trắng”. Ngay lập tức, chiều hôm ấy, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trao tận tay em những món quà nhỏ bằng tất cả sự yêu thương.
Với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bức tượng đất nung có chân dung của nhà thơ được chính các em Trường Hy Vọng làm và trao tặng, ông ôm ấp, nâng niu trong lòng không rời suốt cả hành trình. Đó là món quà mà ông khẳng định với các bạn học sinh rằng: “Bác sẽ chuyển món quà này vào bảo tàng của Hội Nhà văn, để lưu giữ mãi tình cảm của các em, để mãi mãi cuộc đời này là hy vọng như tên trường và tương lai của tất cả các em”.
Một ngày ở ngôi Trường Hy Vọng, mất mát, nỗi đau đã qua rồi. Các em ở đây, với tổ ấm mới, đều có chung một cái tên, một kỳ vọng lớn lao cho cuộc đời phía trước, đó chính là Hy Vọng./.
Phạm Quốc Rin