【ket qua hang 2 anh】Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa cổ bậc nhất TPHCM
Đứng cao vút trong khuôn viên rộng lớn, ngôi chùa cổ Huê Nghiêm (đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức, TPHCM) thu hút khách tham quan bởi màu ngói tráng men xanh lục bảo. Đây là một trong những ngôi chùa có tuổi đời cao nhất thành phố.
Theo các tài liệu tại chùa, ngôi cổ tự được thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường xây dựng từ năm 1721. Trên đường vân du, thiền sư thấy cảnh trí nơi đây xinh đẹp nên dừng chân, dựng thảo am để hoằng dương Phật pháp.
Sau khi thiền sư Thiệt Thoại viên tịch, thiền sư Tế Lý-Quảng Đức tiếp nối trụ trì. Nhận thấy chùa tọa lạc trên vùng đất thấp, gần nhánh sông Sài Gòn, thiền sư Tế Lý-Quảng Đức có ý định dời chùa đến vị trí khác.
Lúc này, bà Nguyễn Thị Hiên, một người giàu có ở làng Linh Chiểu Đông (TP Thủ Đức ngày nay) phát tâm, hiến cúng phần đất nơi gò cao để xây chùa. Từ đó, chùa được dời đến vị trí ngày nay.
Sau hơn 300 năm, chùa Huê Nghiêm trải qua nhiều đợt trùng tu lớn, nhỏ. Dù vậy, ngôi cổ tự vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống của những ngôi chùa Nam Bộ với mái ngói âm dương có đầu đao cong vút.
Phần bờ nóc của mái chùa được trang trí hình hoa sen, bánh xe luân hồi cách điệu. Các họa tiết trang trí tại chùa đều được sơn son thếp vàng trên nền sơn đỏ nổi bật.
Chùa có khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, tiểu cảnh sinh động được bài trí hài hòa như: Đức Phật Thích Ca hành đạo bên gốc cây bồ đề, Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc xuất gia, tháp thờ tự Quan Thế Âm Bồ Tát…
Lẩn khuất sau những hàng hoa cảnh là vườn bảo tháp với nhiều ngôi tháp cổ của những thiền sư, hòa thượng tạo lập chùa và chư tăng.
Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về “bà hộ Hiên”, người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Truyền thuyết ly kỳ
Các sư thầy tại chùa Huê Nghiêm cho biết, “bà hộ Hiên” chính là bà Nguyễn Thị Hiên, người hiến đất xây chùa thời trước. Sinh thời, bà Hiên nổi tiếng giàu có và thường xuyên giúp đỡ người nghèo, ủng hộ các việc công ích của làng xã.
Vì vậy, người dân gọi bà là “bà hộ Hiên”. Bà Hiên cũng là người mộ đạo, được thiền sư Tế Lý-Quảng Đức ban pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm.
Những năm tháng cuối đời, bà Hiên vào chùa sinh sống. Năm 1821, bà mất và được mai táng trong khuôn viên chùa và lưu lại đây truyền thuyết ly kỳ tái sinh thành công chúa nhà Thanh ở Trung Quốc.
Truyền thuyết nhuốm màu liêu trai trên hiện nay vẫn được nhiều sư thầy tại chùa Huê Nghiêm nhắc đến. Nhiều tài liệu, sách báo cũng đề cập, ghi lại truyền thuyết ly kỳ này.
Trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tác giả Nguyễn Hiền Đức cho biết, thời vua Đạo Quang (1821-1850) ở Trung Quốc, hoàng phi sinh công chúa. Lúc chào đời, công chúa nắm chặt tay không mở.
Vua thỉnh chư tăng lập đàn, tụng kinh, công chúa mới mở tay. Lúc này, trên tay công chúa xuất hiện dòng chữ đỏ như son ghi rõ: “Liễu Đạo, Huê Nghiêm, Gia Định”.
Thấy lạ, vua sai người gửi thư sang triều đình Huế tìm xem ở Gia Định có chùa Huê Nghiêm và phật tử mang pháp danh Liễu Đạo hay không.
Khi biết chính xác tại Gia Định có chùa Huê Nghiêm và bà Hiên mang pháp danh Liễu Đạo nhưng đã mất, vua Đạo Quang rất bất ngờ. Ông sai người sang tặng chùa 1 bức tượng Phật bằng đồng, xây lại mộ cho bà.
Hiện nay, tại chùa Huê Nghiêm vẫn giữ án thờ bà Nguyễn Thị Hiên. Tại án thờ có bức tranh vẽ chân dung của bà.
Phía trước tranh là bài vị bằng gỗ quý ghi dòng chữ: Phụng vị Hoa Nghiêm tự, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm chánh hồn, Quý Mùi niên, lương nguyệt, cát thời thọ sanh, Tân Tỵ niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật phù thời khứ”. Tạm dịch: Chùa Hoa Nghiêm, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm. Sinh vào ngày lành giờ tốt, năm Quý Mùi. Mất năm Tân Tỵ, ngày mùng 1 tháng 6.
Cùng với nét đẹp kiến trúc độc đáo, truyền thuyết ly kỳ về bà hộ Hiên, chùa Huê Nghiêm thu hút phật tử, khách thập phương đến tham quan, chiêm bái mỗi ngày.