TẾT CỦA TÌNH THÂN
Sáng mồng 1 tết,Ấmaacuteptếtđthứ hạng của cardiff city không gian gia đình cụ Trần Thị Vân, 97 tuổi ở phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) tràn ngập tiếng cười và sắc màu tươi tắn của ngày tết. Đã trở thành một thói quen, vào ngày này, tất cả thành viên trong gia đình cụ đều chung cái hẹn về đây - nơi có ông bà, có tổ tiên để gặp gỡ nhau ngày tết, gửi trao nhau những lời chúc một năm mới tròn đầy. Tết đoàn viên của gia đình vì thế mỗi năm mỗi thêm đông đúc, rạng rỡ. Các con, các cháu đều hạnh phúc và cảm thấy ấm êm khi được gặp lại người thân của mình. Anh Lê Vũ Hoàng Anh, phường Tân Xuân (TP. Đồng Xoài) phấn khởi: Mỗi năm tết đến, được trở về ngôi nhà chung, được gặp những người thân yêu, chỉ cần thấy mọi người vui vẻ, mạnh khỏe là chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Trong những ngày đầu năm mới, trẻ con hào hứng với các trò chơi như lô tô, bầu cua tôm cá… Trong ảnh: Cụ Trần Thị Vân, phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) năm nay đã 97 tuổi, nhưng vẫn hào hứng nhìn ngắm con cháu tề tựu về vui chơi trong những ngày đầu xuân năm mới
Con cháu cụ Trần Thị Vân cùng tề tựu, gặp nhau và chụp ảnh lưu niệm đầu năm mới Quý Mão 2023
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thảo, phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) tổ chức gói bánh chưng để con cháu biết và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc
Gặp nhau trong ngày tết, việc làm đầu tiên của mỗi người là thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, trình bày ngắn gọn kết quả nổi bật trong một năm vừa qua của gia đình mình. Trên bàn thờ những ngày này, mâm ngũ quả được sửa soạn đẹp mắt, bánh trái được bày biện một cách cẩn thận, bởi ai cũng tin rằng, tổ tiên cũng đang hiện diện về ăn tết cùng gia đình. Sau đó, bên tách trà nóng họ cùng hàn thuyên, hỏi thăm sức khỏe, công ăn việc làm của nhau, bởi đây chính là khoảng thời gian thiêng liêng, thư thả sau những bộn bề của cả năm bận rộn. Tiếng cười, tiếng nói vì thế cũng rôm rả, mọi người cười thật tươi để hy vọng sự lạc quan trong năm mới. “Dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình. Tết là dịp để gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống, con cháu về sum họp bên mâm cơm gia đình, đồng thời là dịp để các thành viên trong gia đình chia sẻ, chúc nhau năm mới thành công hơn, hạnh phúc hơn” - anh Nguyễn Việt Thanh ở phường Tân Phú chia sẻ.
Tết đoàn viên đâu phải điều gì quá cao sang, cùng nhau nấu bữa cơm, trước là để thờ cúng ông bà, mời ông bà về ăn tết, sau đó cùng chung vui ăn uống trong bữa cơm gia đình. Sau đó, cùng nhau chúc tết họ hàng, người thân, chơi các trò chơi dân gian… Những việc làm cụ thể như thế cũng là cách để các thế hệ trẻ bảo tồn giá trị văn hóa của gia đình và dân tộc. Chị PHAN THỊ MỸ DUNG, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài |
Tết là một cuộc hội tụ lớn, ở đó khi gặp nhau người ta sẽ bày cho nhau những điều hay, lẽ phải, những phong tục đẹp trong ngày tết. Chính vì thế, khi gặp nhau ở ngày đoàn viên như thế này, thường các ông bà, bậc lớn tuổi trong nhà sẽ bày con cháu những nét văn hóa truyền thống như gói bánh chưng, chơi cờ tướng, các trò chơi dân gian cũng như phong tục mừng tuổi đầu năm. Từ đó, hun đúc cho các con, các cháu về nét đẹp của ngày tết. Tết vì vậy vừa mang tính cộng đồng vừa lắng đọng hồn dân tộc một cách sâu lắng.
LƯU GIỮ NHỮNG KHOẢNH KHẮC QUÝ
Ấm áp nhất trong ngày tết đoàn viên chính là khoảnh khắc cả nhà cùng nhau lưu giữ những hình ảnh đẹp của ngày tết. Bởi đây chính là lúc các thành viên tề tựu về đông đủ, việc ghi lại những khoảnh khắc bên nhau sau một năm xa cách là hoạt động không thể thiếu. Những bức ảnh chụp cả gia đình hoặc các thành viên với nhau thể hiện sự gắn kết, yêu thương, gần gũi, góp phần giúp không khí gia đình trở nên đầm ấm hơn. Theo thời gian, những bức ảnh như thế sẽ là những kỷ vật tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để rồi mỗi khi nhìn ngắm, mọi thành viên đều sẽ nhớ về quãng thời gian hạnh phúc bên nhau của mình. Đó cũng cách để mỗi người cụ thể hóa tết đoàn viên một cách sinh động nhất.
Gia đình ông Nguyễn Duy Tặng, phường Long Phước (TX. Phước Long) chụp ảnh lưu niệm cùng con, cháu trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023
Với gia đình ông Nguyễn Duy Tặng ở phường Long Phước (TX. Phước Long), vào sáng mồng 1 tết, trong bộ trang phục đẹp nhất, cả nhà sẽ cùng nhau chụp những bức ảnh đẹp và đầy đủ các thành viên trong gia đình. Nét đẹp này đã được gia đình ông duy trì nhiều năm nay. Ông Tặng phấn khởi: Mỗi năm trôi qua, bức ảnh của gia đình lại thêm nhiều gương mặt mới, đó là con dâu, con rể rồi cháu nội, cháu ngoại… Chọn một bức ảnh đẹp và đầy đủ thành viên nhất, sau đó phóng to ra và treo ở phòng khách chính là cách để các con, các cháu hiểu và giữ gìn các giá trị văn hóa của gia đình.
Với gia đình cụ Trần Thị Vân cũng vậy, trong không gian được trang trí đậm chất tết quê, các thành viên ai nấy hào hứng với việc cùng nhau lưu giữ những hình ảnh đẹp. Đó là bức ảnh tập thể của tất cả mọi người, cũng có thể là ảnh riêng lẻ của những gia đình nhỏ hay đơn giản là ghi lại khoảnh khắc con trẻ chơi đùa với các trò chơi dân gian… Tất cả hòa quyện, lắng đọng lại trong một không gian ấm áp, thấm đẫm tình thân của ngày tết đoàn viên.
Dù bây giờ nhịp sống nhanh và hối hả hơn, một số phong tục đẹp của ngày tết cũng không còn trọn vẹn như xưa, nhưng ý nghĩa của ngày tết cổ truyền vẫn không hề mai một. Dù làm ăn xa xứ hay ở kế cận cùng nhau, ai cũng trông ngóng và cố gắng để đón một cái tết đoàn viên trọn vẹn nhất bên những người thân yêu của mình. Người ở gần thì cùng nhau tụ tập, người ở xa xứ, cách trở khoảng cách địa lý cũng “đoàn viên” với gia đình thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Bên cạnh nét sống văn hóa mới, nét đẹp của ngày tết đoàn viên cứ thế được lan tỏa và bảo tồn theo tháng, năm của cuộc sống.