Đó là một trong những quy định tại Thông tư số 147/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên tắc quản lý tài chính đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định rõ như sau: Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho các đối tượng theo quy định. Quỹ bảo lãnh tín dụng tự bảo đảm chi phí, thực hiện bảo toàn vốn và tài sản; bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động theo các quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này.
Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm: Vốn do ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp khi thành lập Quỹ tối thiểu là 30 tỷ đồng; Vốn góp của các tổ chức tín dụng; Vốn góp của các doanh nghiệp khác; và vốn góp của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư cũng quy định rõ: Quỹ bảo lãnh tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư nợ tổ chức tín dụng cho khách hàng vay được Quỹ bảo lãnh tín dụng cam kết bảo lãnh tại thời điểm trích lập.
Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng khoản dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản nợ cho vay bắt buộc khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho khách hàng mà không thu hồi được nợ. Cuối năm, nếu không sử dụng hết khoản dự phòng rủi ro, số dư của khoản dự phòng rủi ro được chuyển sang năm tiếp theo.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25-11-2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014; thay thế Thông tư số 93/2004/TT-BTC ngày 29/9/2004 về hướng dẫn một số nội dung Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian qua, một số địa phương gặp khó khăn khi thành lập nguồn Quỹ này. Đối với nguồn vốn hoạt động của Quỹ, theo quy định của Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, một trong những điều kiện thành lập quỹ phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương mặc dù có nhu cầu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng chưa bố trí nguồn để thành lập Quỹ; một số địa phương đã thành lập Quỹ nhưng nguồn vốn nhỏ, không bổ sung thêm vốn điều lệ.
Để tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng nguồn thu cổ phần hóa từ các doanh nghiệp địa phương (phần phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp) để tăng cường nguồn lực tài chính Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Để tạo thêm một kênh bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 về Quy chế bảo lãnh cho đối tượng doanh nghiệp này vay vốn tại ngân hàng thương mại được triển khai qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo báo cáo của VDB, doanh số bảo lãnh đến 31-12-2012 là 10.692,4 tỷ đồng với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thương mại. Nhằm hướng tới hoàn thiện các chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Xác định rõ trách nhiệm nếu để tổn thất tài sản Khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ bảo lãnh tín dụng phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường; Hội đồng quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định hoặc ủy quyền cho Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể và tổ chức bảo hiểm, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng. |