Covid-19 xâm nhập lò mổ làm tăng áp lực cung ứng thực phẩm cho TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam | |
Nguồn cung hàng loạt nông sản đang vượt cầu |
Các hệ thống bán lẻ đang tích cực tìm nguồn hàng thay thế trong thời gian Vissan phải tạm ngưng hoạt động |
Nhân viên lò mổ nhiễm Covid
Công ty Vissan bắt đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại công ty từ ngày 28/6. Để duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn cho người lao động, trong suốt thời gian trên, Vissan đã nhiều lần tiến hành xét nghiệm cho người lao động.
Kết quả, đến ngày 22/7, công ty đã phát hiện 43 ca F0 và truy vết được 357 F1 và 351 F2 có liên quan.
Ngay thời điểm phát hiện các ca dương tính đầu tiên, Vissan đã thực hiện truy vết các trường hợp F1, F2 để cách ly nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch. Tuy nhiên, đặc thù hoạt động của công ty vừa là đơn vị sản xuất, vừa là nhà phân phối cho hệ thống kênh siêu thị, kênh truyền thống với gần 600 điểm bán và cũng là đơn vị giới thiệu và bán lẻ với hơn 40 cửa hàng tiện lợi Vissan tại TPHCM. Do đó, lực lượng nhân viên bán hàng, mậu dịch viên bên ngoài Vissan phục vụ cho các kênh bán hàng trên là khá lớn.
Bên cạnh đó, với đặc thù của ngành thực phẩm tươi sống, các sản phẩm phải tiêu thụ trong ngày và phát sinh hàng đổi trả; ngoài ra việc tập trung gần 1.500 nhân viên tại công ty thì các điều kiện ăn ở, sinh hoạt mặc dù có nhiều cố gắng nhưng cũng khó đạt yêu cầu.
Vissan cho biết, hiện gần như toàn bộ lực lượng tại công ty thuộc các đối tượng F1 và F2, đặc biệt tại các đơn vị sản xuất gần như bị tê liệt hoàn toàn. Từ thực tế này, Vissan đề xuất đến các cơ quan chức năng hai phương án.
Cụ thể, ở phương án 1, công ty sẽ đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau khi có kết quả kết quả âm tính công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất. Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ ba ngày một lần. Tiếp tục bóc tách phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt độc lập để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Hiện công ty đang cố gắng khắc phục tối đa những khó khăn trong đảm bảo việc thực hiện giãn cách, giảm các khu nhà vệ sinh, tắm giặt dùng chung trong công tác phòng chống dịch. Nếu thuận lợi, công ty sẽ tiếp tục duy trì sản xuất dù có thể giảm sản lượng do thiếu hụt một số nhân sự. Khó khăn của phương án này là cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cùng ở lại công ty tiếp tục thực hiện phương châm “3 tại chỗ” và được hỗ trợ từ trung tâm Y tế Bình Thạnh trong việc xét nghiệm sàng lọc khi họ ở lại công ty.
Đối với phương án 2, công ty thực hiện gửi các ca thuộc đối tượng F1 về địa phương khi kết quả xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly F2 theo quy định. Với phương án này, công ty đề nghị được dừng sản xuất cho đến khi số lượng F1 và F2 hết thời hạn cách ly, được quay trở lại làm việc. Nếu thực hiện phương án này công ty có khả năng ngừng hoạt động 3 đến 4 tuần.
Được biết, ngoài Công ty Vissan, một số cơ sở giết mổ thủ công khác tại TPHCM cũng đã tạm ngưng hoạt động do có công nhân nhiễm Covid-19.
Không lo thiếu thịt lợn
Thông tin về tình hình cung ứng thịt lợn tại TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, nguồn cung thịt lợn cho TPHCM thông thường là 10.000 con/ngày. Trong những ngày qua, lượng tiêu thụ giảm nhiều, chỉ còn mức 5.000-6000 con/ngày, có ngày chỉ còn 4.500 con. Trong đó, sản lượng của Vissan trong những ngày qua chiếm khoảng 10% thị phần, tương ứng khoảng 500-600 con/đêm. Ngoài ra còn có những nhà cung cấp khác như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP, Masan, CJ, Anh Hoàng Thy…
“Việc Vissan tạm ngưng cung cấp thịt lợn sẽ gây vướng chủ yếu ở kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ hiện đại đã làm việc, tăng tiếp nhận nguồn hàng từ các nhà phân phối khác. Mặt khác Vissan đang tích cực đàm phán với các đối tác để có nguồn cung bổ sung, dự kiến trong vòng 3 ngày sẽ phục hồi được nguồn hàng” – ông Phương cho biết.
Ông Phương cho biết thêm, hiện Vissan còn có nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh tương đối lớn, có thể cung cấp cho các hệ thống phân phối để thay thế lượng hàng giết mổ “nóng” tạm gián đoạn trong thời gian này. Theo đó, ông Phương khẳng định, hiện các địa phương đều thực hiện phát phiếu mua hàng cho người dân, lượng hàng hoá chuẩn bị đầy đủ theo nhu cầu của người dân nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Còn ở kênh phân phối truyền thống, số chợ ngưng hoạt động rất lớn nên việc Vissan tạm ngừng hoạt động không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thịt lợn tại các chợ.
Thời gian qua có một số ý kiến phản ánh tình trạng hàng hóa thiết yếu tập trung ở lương thực thực phẩm nên nhiều hàng tiêu dùng cá nhân như bột giặt, kem đánh răng, chất tẩy rửa, giấy vệ sinh chưa được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển. Ông Phương cho biết, trong chiều 28/7, Sở Công Thương TPHCM sẽ phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an TPHCM để có tham mưu sớm cho lãnh đạo TPHCM để thống nhất giữa các đơn vị để giải quyết linh động cho hàng hoá lưu thông vào TPHCM. Bộ Công Thương cũng đã ban hành danh mục các mặt hàng này và yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực hiện. Sở Công Thương TPHCM đang gấp rút triển khai để trong chiều nay trình danh mục này lên UBND TPHCM chỉ đạo thống nhất cho các đơn vị liên quan, chủ yếu là để cho ngành Công an nhằm hỗ trợ thuận lợi hơn cho công tác lưu thông hàng hoá. |