【h2 tbn】Cần quản lý chặt vùng nuôi chim yến
(CMO) Hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư, khu vực nội thành, nội thị của các hộ dân hiện nay rất phổ biến. Hoạt động này làm phát sinh tiếng ồn và mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường sống, nguy cơ dịch bệnh phát sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt và tinh thần của cộng đồng dân cư mà còn làm mất mỹ quan đô thị, cần được chấn chỉnh sắp xếp lại.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Loại hình chăn nuôi theo trang trại tập trung khép kín ngày một xuất hiện nhiều. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến được phổ biến và áp dụng rộng rãi hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường dần được cải thiện. Tuy nhiên, loại hình chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo và có xu hướng tiếp tục phát triển với quy mô ngày càng lớn, nhất là trong khu vực nội thành, nội thị và các khu dân cư.
Với điều kiện tự nhiên và đất đai, thời tiết thuận lợi, việc đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ của người dân những năm qua phát triển rất nhanh. |
Hoạt động nuôi chim yến là một điển hình về mức độ phát triển cũng như khu vực nuôi nội thị và các khu dân cư. Được đánh giá có điều kiện tự nhiên và đất đai, thời tiết vô cùng thuận lợi cho chim yến sinh sản và phát triển cùng với giá trị kinh tế cao... Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ của người dân những năm qua phát triển rất nhanh.
Qua rà soát của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 131 nhà nuôi chim yến đang hoạt động, ước tính tổng đàn trên 40 ngàn con. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện, thành phố như: Cà Mau, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn và Phú Tân. Với tình hình nuôi chim yến phát trển mạnh trong thời gian qua, nhất là trong khu dân cư, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân bởi tiếng ồn từ loa phát âm thanh dẫn dụ chim yến hoạt động gần như liên tục trong ngày và có nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải chim yến.
Tuy nhiên, công tác quản lý của Nhà nước về nuôi chim yến không chỉ riêng ở Cà Mau mà hầu như ở các tỉnh, thành trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Do Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc bãi những quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ NN&PTNT ban hành. Đây là 2 điều rất quan trọng trong công tác quản lý nuôi chim yến.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh vừa xây dựng dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 80, Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018, UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo đó, nội dung cơ bản của nghị quyết này là quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đồng thời, sẽ áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Theo dự kiến, nghị quyết xây dựng gồm 4 chương, 12 điều và dự kiến hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2019./.
Nguyễn Phú