【nhận định leverkusen vs】Nâng chất lượng đội ngũ y tế để hạ tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế |
Tỷ lệ tử vong còn cao
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc năm 2021, ước tính hàng năm trên thế giới có 5 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong; trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là ở trẻ sơ sinh. Nguy cơ tử vong trẻ sơ sinh tại các nước có thu nhập thấp cao gấp 10 lần so với các nước có thu nhập cao. Ở Việt Nam, vào tháng 9/2023, tại Tuần lễ Làm mẹ an toàn, đại diện Bộ Y tế đưa ra số liệu đáng lo ngại, khi số trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày ở nước ta lên đến 39 trẻ.
PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phân tích, tại Việt Nam tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đang ở mức 15,7/1.000. So sánh với tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở một số nước trong khu vực lân cận, như Singapore là 2,3/1.000, Nhật Bản 1,9/1.000... Hay tại các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1 - 2/1.000. Vì vậy, việc hạ tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam đang là một thách thức lớn và cần có chiến lược phù hợp.
Tại Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết, chỉ số tử vong ở trẻ vùng dân tộc thiểu số cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở nông thôn cao hơn gấp 2 lần so với thành thị. Bên cạnh đó, tình trạng tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn cũng cao gấp hơn 3 lần so với thành phố. Trong khi đó, ông Khoa đưa ra một thách thức lớn là cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và ở nhiều nơi tuyến huyện có tới 30% bác sĩ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa.
Theo GS. Gary Hartnoll, Hội đồng hồi sức châu Âu, quản lý trẻ trong 10 - 20 phút đầu đời là yếu tố quyết định cho sức khỏe của trẻ. Đây là khoảng thời gian mà trẻ rất có thể gặp những sự cố dẫn đến tử vong cao nhất. Dù y học đã rất phát triển, song sẽ khó có thể chắc chắn rằng trẻ sơ sinh nào sẽ cần được hồi sức hay không. Nhiều trẻ khi chưa sinh được chẩn đoán hoàn toàn bình thường, nhưng khi tiếp xúc với môi trường mới cũng có những thay đổi theo chiều hướng xấu. Chính vì vậy, đội ngũ y tế thường có mặt tại phòng sinh cần được đào tạo kỹ năng hồi sức sơ sinh, có khả năng hồi sức cho trẻ sơ sinh nếu cần thiết.
Chuyên gia châu Âu tham gia đào tạo hồi sức sơ sinh tại phòng sinh cho các cán bộ y tế Việt Nam |
Nâng chất lượng cán bộ y tế
Bộ Y tế đặt mục tiêu trong khoảng 5 năm tới, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ giảm thêm khoảng 30%. Một trong giải pháp hàng đầu là nâng chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Chính vì thế, mới đây, được sự hỗ trợ của Hội đồng hồi sức châu Âu, Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế phối hợp với tổ chức Sơ sinh Việt Nam tổ chức 2 khóa đào tạo hồi sức sơ sinh tại phòng sinh cho 48 học viên, là các bác sĩ chuyên ngành nhi khoa, sản khoa và hồi sức cấp cứu, hộ sinh, điều dưỡng từ các cơ sở y tế khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
GS. Gary Hartnoll khẳng định, nội dung khóa học hồi sức sơ sinh trong phòng sinh (NLS - Newborns Life Support) được dạy tại Việt Nam giống như chương trình NLS được dạy ở toàn châu Âu. Các giảng viên của khóa học là các giáo sư và chuyên gia hàng đầu của Hội đồng hồi sức châu Âu. Nội dung khóa học tập trung đặc biệt vào việc hồi sức trẻ sơ sinh, cung cấp cho các cán bộ y tế những kỹ năng thực hành và kiến thức hồi sức thiết yếu, để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong trường hợp khẩn cấp. Hoàn thành khóa học hồi sức được xem như là một yêu cầu cần thiết đối với các cán bộ y tế, những người có thể được gọi khẩn cấp để hồi sức cho trẻ sơ sinh nhằm quản lý trẻ trong 10 - 20 phút đầu đời.
PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo nhìn nhận, việc triển khai và nhân rộng khóa học hồi sức sơ sinh tại phòng sinh đối với nhân viên y tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi có địa hình địa lý khá phức tạp, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, đây là các vùng có nhiều dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn sẽ, nên việc tăng chất lượng đội ngũ y tế là một việc làm hết sức hữu ích nhằm nâng cao năng lực của cán bộ y tế, tăng khả năng sống sót cho trẻ sơ sinh; góp phần giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh của miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh của Việt Nam nói chung.
Theo PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo, phía Hội đồng hồi sức châu Âu đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng học viên. Để tham gia các khóa học phải tham gia các đợt thi rất khó. Địa điểm để tổ chức các khóa cũng được khảo sát, đánh giá tiêu chuẩn để đảm bảo có được những khóa học đạt được yêu cầu cao và mang tính đẳng cấp quốc tế về hồi sức sơ sinh. Những cán bộ tham gia khóa học được xác định sẽ trở thành những chuyên gia về cấp cứu trẻ sơ sinh và sẽ trở thành những cán bộ tham gia tập huấn cho những cán bộ y tế khác sau này.
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ có 10 khóa đào tạo hồi sức sơ sinh với số lượng cán bộ y tế được đào tạo là 216 người; đồng thời, phát triển Trường đại học Y – Dược thành trung tâm đào tạo đạt chuẩn châu Âu về hồi sức sơ sinh với đội ngũ giảng viên đủ khả năng đảm nhận công tác đào tạo tại trường và xây dựng mạng lưới giảng viên nguồn cho toàn khu vực.