Khách trò chuyện khi đi tàu đến Huế |
Lựa chọn du lịch bằng tàu hỏa
Cuối tháng 11/2024, Sở Du lịch đã phối hợp với Chi nhánh đường sắt tại Huế và Công ty Lữ hành quốc tế Hồng Hà (Lào Cai) tổ chức chương trình đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đến Huế trên chuyến tàu hỏa charter (thuê nguyên chuyến) xuyên Việt.
Bước xuống Ga Huế, du khách ấn tượng với sự chào đón của ngành du lịch địa phương. Một du khách Trung Quốc chia sẻ: “Vừa đến Huế, tôi được tặng quà lưu niệm, được tư vấn giới thiệu các điểm đến của Huế. Tôi biết Cố đô của Việt Nam là một điểm đến rất đẹp và nay được cảm nhận con người ở đây hết sức thân thiện”.
Chuyến tàu hỏa charter SE10, xuất phát từ Lào Cai đi qua nhiều tỉnh, thành và đến Ga Huế vào lúc 13h20 ngày 30/11/2024. Đây là một trong những chuyến tàu hỏa charter đưa lượng khách đến Huế có quy mô lớn trong nhiều năm qua với hơn 400 khách. Điều đặc biệt, ngoài trải nghiệm các điểm du lịch và ẩm thực xứ Huế, các hành khách đã chọn ở lại lưu trú 1 đêm ở miền Hương Ngự. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho du lịch Cố đô.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch tặng quà cho đoàn khách Trung Quốc đến Huế từ chuyến tàu hỏa charter xuyên Việt |
Theo các chuyên gia nhận định, du lịch đường sắt ở Việt Nam “nở muộn”, nhưng đang bắt kịp thời cơ, nỗ lực đổi mới sản phẩm liên tục. Chỉ nói riêng về chuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “kết nối di sản miền Trung” từ ngày được đưa vào khai thác (26/3) đến hết tháng 11/2024 đã thu hút hơn 168.400 lượt khách, trong đó cao điểm tháng 7/2024 là hơn 35.900 lượt khách. Ông Lương Xuân Thường, đại diện lãnh đạo Chi nhánh đường sắt Huế cho biết, trong các tháng cao điểm mùa khách du lịch quốc tế, khách nước ngoài đi tàu di sản chiếm đến 40% tổng lượng khách. Khách đi tàu không chỉ với nhu cầu là phương tiện di chuyển, mà mong muốn lớn nhất là trải nghiệm phong cảnh trên cung đường sắt được đánh giá đẹp nhất Việt Nam.
Đại diện một số đơn vị lữ hành cho biết, du lịch bằng đường tàu hỏa hiện đang trở thành xu hướng. Có nhiều nguyên nhân khiến du lịch bằng tàu hỏa được lựa chọn. Trước hết là có thể tiết kiệm chi phí do vé tàu rẻ hơn máy bay và an toàn hơn phương tiện tự lái, không phải lo tắc đường, lại có thể thoải mái ngắm cảnh sắc thiên nhiên qua khung cửa tàu.
Vừa qua trước bối cảnh giá vé máy bay nội địa tăng cao, không chỉ du khách mà các đơn vị lữ hành cũng tính toán lại chương trình tour, thay đổi phương tiện di chuyển và tạo thêm các trải nghiệm cho khách bằng đường tàu hỏa. Nhiều du khách quốc tế cũng muốn trải nghiệm đi du lịch tàu hỏa để được sống chậm, dễ dàng quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như cuộc sống người dân trên từng vùng đất đi qua.
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, mỗi loại hình du lịch, mỗi phương tiện di chuyển cho khách những cảm nhận riêng biệt và trải nghiệm thú vị riêng. Thời gian qua, ngành đường sắt đã ra mắt các sản phẩm các mới, tân trang lại toa tàu, đổi mới cách phục vụ, cung cấp các dịch vụ, tiện ích so với trước đây. Với sự xuất hiện của các chuyến tàu hạng sang, các tàu phục vụ du lịch thì loại hình du lịch tàu hỏa ngày càng khẳng định thế mạnh tích hợp được cả hai nhu cầu về phương tiện di chuyển và lưu trú.
Kết nối đầu tư, thu hút du khách
Trong năm nay, ngành đường sắt Việt Nam đã phối hợp với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành tổ chức 16 đoàn tàu charter với tổng số 7.000 lượt khách, trong đó, 12 đoàn hành trình từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch tàu hỏa lớn bởi du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu trải nghiệm, song, để thu hút khách, còn khá nhiều việc phải làm.
Mặc dù trong 2 năm qua, ngành đường sắt rất quyết liệt trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và cung cách phục vụ và thực tế đã cải thiện rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, do tính lịch sử và nhiều yếu tố, hạ tầng đường sắt, các sản phẩm, dịch vụ gắn với phát triển du lịch vẫn chưa thể kịp đáp ứng nhu cầu của du khách.
Để thu hút khách, ngoài đảm bảo được tính an toàn, tạo sự an tâm cao cho du khách, cần phải tiếp tục cải tiến, nhất là vệ sinh trên tàu và ga tàu sạch sẽ, hiện đại; sản phẩm, dịch vụ đa dạng; các dịch vụ bổ trợ ở nhà ga và vùng phụ cận cũng phải đáp ứng. Đây cũng là vấn đề mà khách quốc tế đặc biệt quan tâm.
Ông Minh cho rằng, rất cần vai trò doanh nghiệp trong việc đầu tư, tăng các sản phẩm, dịch vụ trên tàu để phục vụ du khách. Điều này cũng đòi hỏi, việc kết nối giữa các bên liên quan là rất quan trọng. Còn theo ông Thường, chuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “kết nối di sản miền Trung” được nhiều du khách đánh giá cao và có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ngành đường sắt đang gắn kết chặt chẽ với du lịch và mong muốn thu hút khách tốt hơn nữa. Bên cạnh các cơ chế hợp tác của 2 ngành, để nâng cao hơn nữa chất lượng, cần sự hợp lực của các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác quảng bá cũng cần phải đẩy mạnh hơn.
Thời gian tới, ngành du lịch địa phương tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt và các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp kêu gọi đầu tư, tăng các dịch vụ, sản phẩm, trải nghiệm để thu hút thêm nhiều khách quốc tế khám phá Việt Nam nói chung và du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng bằng tàu hỏa.