VHO - Bên cạnh sự đánh giá tích cực từ cộng đồng,ảotồnbảnsắcvănhóaquahoạtđộngđàotạoHánNômvàThưphávdqg bolivia hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập thời gian qua còn đối diện với không ít khó khăn. Nhận diện thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là nội dung chính của hội thảo “Hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập”, diễn ra ngày 10.11 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng tri thức Hán Nôm và Thư pháp vào công tác đào tạo trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, đồng thời hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường (2005-2025), hội thảo do Nhân Mỹ học đường chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Bộ môn Hán Nôm (Trường Đại học KHXH & NV- ĐHQGHN) tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường, Trưởng BTC nhấn mạnh, mô hình đào tạo ngoài công lập đã có từ lâu, không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới. Mô hình và hoạt động đào tạo ngoài công lập đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, duy trì văn hóa, vun bồi tri thức, là nguồn lực văn hóa quan trọng góp phần vào việc xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội.
Việc tổ chức và duy trì hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập, như mô hình của Nhân Mỹ học đường cần được khuyến khích và ưu tiên phát triển. Trong quá trình hoạt động, các mô hình tổ chức đó đã được xã hội ghi nhận và đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Trung Kiên, các mô hình đào tạo ngoài công lập như Nhân Mỹ học đường cũng đang phải đối diện với những khó khăn và các vấn đề đặt ra như: cân đối giữa nhu cầu cao và việc đáp ứng dịch vụ giáo dục Hán Nôm, Thư pháp có hạn; cân đối giữa nội dung chương trình mang tính hàn lâm, kinh điển và mong muốn đạt được của người học mang tính dân gian, dân tục học và thực tiễn cao.
Vấn đề về xử lý mối quan hệ giữa nội dung khối lượng đào tạo lớn và thời lượng hạn chế; giải quyết vấn đề xây dựng bộ giáo trình, tài liệu giảng dạy có khung ổn định với việc tích hợp, cập nhật các thành tựu nghiên cứu hiện đại; mối quan hệ giữa tính nghệ thuật hàn lâm của thư pháp với việc thực hành và nhu cầu mang tính đại chúng, bình dân của xã hội.
Xử lý hài hòa giữa tính kinh viện, cổ điển, lễ giáo của cổ học và văn hóa truyền thống trong đào tạo Hán Nôm, Thư pháp với xu hướng hiện đại, số hóa trong bối cảnh phát triển của KHCN và cách mạng 4.0 hiện nay…
Giảng sư Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Nhân Mỹ học đường cho biết, hội thảo được tổ chức với các mục tiêu cụ thể như: hệ thống hóa chương trình, nội dung đào tạo và cách thức tổ chức dạy, học cũng như việc áp dụng các phương pháp khoa học trong đào tạo Hán Nôm vừa gắn với nghiên cứu, học thuật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đề xuất phương pháp mới và ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp.
Phân tích, đánh giá về chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo thư pháp truyền thống; phản ánh những thành tựu nghiên cứu về thư pháp và việc ứng dụng phương pháp mới trong đào tạo Thư pháp để nâng cao chất lượng đào tạo Thư pháp; những đề xuất, giải pháp cho việc đào tạo và thực hành thư pháp hiện nay trong bối cảnh Việt Nam.
Đồng thời, chỉ ra thực trạng các mô hình tổ chức đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập, các giải pháp, đề xuất đối với việc tổ chức, vận hành các mô hình đào tạo ngoài công lập, trong đó có Nhân Mỹ học đường, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung: Đào tạo Hán Nôm; Đào tạo Thư pháp; Công tác quản lý đào tạo.
Nhóm nội dung về đào tạo Hán Nôm tập trung vào các chủ đề: Chương trình, tài liệu đào tạo; việc áp dụng các thành tưu nghiên cứu mới; Vai trò của mộc bản, văn tự học, di văn tại di tích trong đào tạo Hán Nôm; Nghi lễ Nho giáo; vai trò của Hán Nôm trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành, như: công trình xây dựng, y học cổ truyền, giáo dục, an ninh, quốc phòng...
Nhóm nội dung về đào tạo Thư pháp tập trung vào các chủ đề: Chương trình, tài liệu đào tạo; các vấn đề nghiên cứu thư luận, bi học, thiếp học; lịch sử thư pháp; hiện trạng đào tạo và hoạt động thư pháp tại Việt Nam hiện nay; Thư pháp và hoạt động tổ chức Hội chữ Xuân; Ứng dụng của thư pháp trong đời sống xã hội.
Nhóm nội dung về công tác quản lý đào tạo tập trung vào các chủ đề: mô hình, quy mô tổ chức, nguyên tắc vận hành hoạt động đào tạo Hán Nôm, Thư pháp; công tác nhân sự, các điều kiện đảm bảo; đào tạo Hán Nôm và Thư pháp từ góc nhìn của học viên, nhà sử dụng; CLB Thư pháp và công tác đào tạo; vai trò, thành tựu, hạn chế và kiến nghị đề xuất đối với việc duy trì hoạt động của các mô hình đào tạo ngoài công lập hiện nay.
Nhiều tham luận, góc nhìn và giải pháp thực tiễn đã được các chuyên gia trình bày, thảo luận tại Hội thảo như: Tiếp cận di sản Hán Nôm và việc xây dựng chương trình đào tạo Hán Nôm; Suy nghĩ về đào tạo thư pháp Hán Nôm từ Hội chữ Xuân tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám; Nhân Mỹ học đường- 20 năm đào tạo thư pháp;Vai trò đào tạo Hán Nôm ngoài công lập qua trường hợp Nhân Mỹ học đường; Chữ Hán- chữ Nôm hiện nay và sự phát triển của Nhân Mỹ học đường…
TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám từ hoạt động của Hội chữ Xuân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhìn nhận, tổ chức Hội chữ Xuân bước đầu đã thể hiện là phương thức hiệu quả góp phần phát huy giá trị của Hán Nôm hiện nay. Tuy nhiên, từ thực tiễn của Hội chữ Xuân trong 10 năm qua cũng đang đặt ra những vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo thư pháp nói chung, đào tạo thư pháp Hán Nôm nói riêng.
Cụ thể, theo TS. Lê Xuân Kiêu, vấn đề đầu tiên đặt ra là trong số những người viết chữ, tỉ lệ những người trẻ viết thư pháp Hán Nôm còn chưa nhiều. Người viết chữ tại Hồ Văn chủ yếu là cao tuổi. Tâm lý khách đến Hội chữ vẫn thích những ông đồ lớn tuổi, điều này dẫn đến những người viết chữ trẻ không hào hứng tham gia sân chơi này, làm giảm cơ hội trải nghiệm và tương tác với người xin chữ, cũng hạn chế việc quảng bá giá trị của Hán Nôm.
Hai là, việc giao tiếp giữa người xin chữ và người cho chữ. Có thể nói, rất nhiều người đến xin chữ tại Hồ Văn không biết Hán Nôm, chỉ là những người mến chữ, thích chữ, cho nên việc giải nghĩa của người viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vấn đề đặt ra là công tác đào tạo cơ bản và chuyên sâu về Hán Nôm, văn hóa, văn tự học, về thư pháp và nghệ thuật viết chữ cho những người viết chữ để họ là chủ thể tạo nên sức sống và hấp dẫn của Hội chữ.
Ba là, trong hội chữ Xuân vẫn còn hiện tượng khách tham quan phản hồi thông tin về việc viết sai chữ, viết xấu, ứng xử chưa phù hợp của người viết chữ. Một số người viết thư pháp ở các CLB đã chủ động đăng ký khóa học tại Nhân Mỹ học đường.
“Trong điều kiện chưa có một cơ sở đào tạo công lập ở nước ta giảng dạy về thư pháp thì Nhân Mỹ học đường là một môi trường đào tạo có nhiều điều kiện rất thuận lợi để người viết thư pháp được nâng cao trình độ, không chỉ về Hán Nôm, về thư pháp mà còn là kỹ năng, văn hóa ứng xử…”, TS. Lê Xuân Kiêu khẳng định.
Đồng thời, ông Kiêu đề nghị, việc hỗ trợ của Nhân Mỹ học đường với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong các hoạt động của Hội chữ Xuân thời gian tới cần tập trung vào công tác đào tạo thư pháp cho những cá nhân có nhu cầu nghiêm túc tham gia, xây dựng hội chữ Xuân thành một hoạt động văn hóa vì cộng đồng, hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng...