LTS: Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào hồi 7 giờ 5 phút,ênPhóThủtướngVũKhoanBảnlĩnhthôngtháinhưngkhiêmtốnbìnhdịbóng đã wap ngày 21/6/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong việc mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Cả cuộc đời học tập, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dù ở cương vị công tác nào nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần tiên phong đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; có nhân sinh quan mẫu mực, tài đức vẹn toàn, luôn trăn trở, phấn đấu hết lòng vì lợi ích quốc gia-dân tộc, luôn vì cái chung, cái lớn lao hơn những đòi hỏi của cuộc sống vật chất thông thường.
VietNamNet ghi lại một số nét chấm phá trong cuộc đời hoạt động của ông, dưới góc nhìn của những người đồng nghiệp, những người từng công tác, tiếp xúc với ông như: Ban Đối ngoại Trung, Bộ Ngoại giao, Quốc hội…
TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV chia sẻ sự tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Ông Khải cho biết mình có cơ hội gặp nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ sớm khi đang theo học tại Liên Xô. Lúc đó ông Vũ Khoan là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô (cũ).
Năm 1972, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ Nguyễn Thọ Chân (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô) có chuyến thăm Liên Xô, ông Vũ Khoan tháp tùng đoàn và làm nhiệm vụ phiên dịch. Trong lịch trình của đoàn khi đó có cuộc gặp với các giáo sư, chuyên gia Liên Xô và sinh viên Việt Nam của Đại học Tổng hợp Baku-Azerbaijan.
“Trước cuộc gặp tôi đã được biết đến khả năng tiếng Nga của ông Vũ Khoan. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến tôi thực sự thán phục ông”, ông Khải chia sẻ.
Ông Khải kể lại: “Cụ Nguyễn Thọ Chân lúc đó có dẫn 2 câu Kiều "Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!", ngụ ý nói về cách nhìn của Liên Xô với Việt Nam thời điểm này còn rất khó khăn, gian khó nhưng sẽ chiến thắng và phát triển hùng cường. Với cách nhìn như thế nên Liên Xô dốc lòng giúp đỡ với một niềm tin như vậy.
Lúc này, cụ Chân mới quay sang nói vui với ông Vũ Khoan rằng: "2 câu Kiều này để dịch sang tiếng Nga là làm khó anh Vũ Khoan rồi’".
Tuy nhiên, người cán bộ ngoại giao 34 tuổi Vũ Khoan khi đó đã dịch rất xuất sắc, truyền tải được hàm nghĩa sâu xa của 2 câu Kiều, cả hội trường đều vỗ tay thán phục.
Về sau, khi công tác tại Vụ Đối ngoại của Văn phòng Quốc hội và làm Đại biểu Quốc hội, ông Khải có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc và trò chuyện hơn với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Trong đó, có một kỷ niệm đặc biệt mà ông Khải không thể nào quên.
Đầu những năm 2000, Việt Nam và Mỹ đàm phán thành công Hiệp định thương mại song phương và ký ở Washington D.C vào tháng 7/2000. Với vai trò là Bộ trưởng Thương mại, ông Vũ Khoan đã góp công lớn trong quá trình đàm phán tiến tới hoàn tất Hiệp định.
Ngày 28/11/2001, Quốc hội Việt Nam thảo luận, phê chuẩn hiệp định này, ông Khải được giao nhiệm vụ thông báo ý kiến của lãnh đạo Quốc hội cho Bộ Ngoại giao để mời cơ quan báo chí nước ngoài, các đại sứ quán tham dự phiên họp của Quốc hội.
“Ngày đó những việc như thế này rất nhạy cảm, cần xin ý kiến chỉ đạo nhiều bên. Có sự mách bảo gì đó, tôi trực tiếp xin thêm ý kiến của những lãnh đạo trong lĩnh vực đối ngoại, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Khoan (lúc này ông đang giữ chức Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại)”, ông Khải chia sẻ.
Ông Khải kể tiếp: “Gần trưa tôi gọi điện đến nhà đồng chí Vũ Khoan thì gặp cả ông và phu nhân Hồ Thể Lan. Lo ông không biết nên tôi ngay lập tức tự giới thiệu đang là Vụ phó Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội muốn xin ý kiến ông. Không ngờ ông nói rằng ông biết tôi.
Nguyên Phó Thủ tướng nói ông nhất trí với chủ trương mời khách quốc tế dự phiên họp thảo luận và phê chuẩn Hiệp định nhằm thể hiện sự cởi mở, công khai, minh bạch của chúng ta”.
Theo ông Khải, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có phong cách ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, thông thái nhưng lại rất khiêm tốn, bình dị. Ông cũng tạo được sự cảm mến với cả trong nước và bạn bè quốc tế.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng bày tỏ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một nhà ngoại giao kiệt xuất, một người thầy, người đàn anh của rất nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao.
Ông cũng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, một người tài của đất nước. Một con người thật sự “chí công vô tư”, hết mình vì đất nước. Ông đã làm việc đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Mặc dù đã bị bệnh nặng vài năm nay nhưng không nghỉ làm việc. Cuộc sống của ông hết sức thanh bạch, giản dị.
Ông Vũ Khoan chính là người đã phỏng vấn tuyển ông Đoàn Xuân Hưng, khi đó vừa tốt nghiệp đại học vào làm trong Bộ Ngoại giao.
Khi ông Hưng e ngại rằng mình không học ngoại giao, ông Vũ Khoan đã phân tích: "Không phải tất cả những người học ngoại giao đều làm ngoại giao, không phải tất cả những người làm ngoại giao đều học ngoại giao. Cậu học kinh tế, chưa làm ngoại giao nên chưa hiểu hết ngành ngoại giao nhưng sẽ làm được ngoại giao, sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện".
Và ông đã thuyết phục được chàng trai trẻ vào làm ngành ngoại giao, sau này đã trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc, đóng góp nhiều cho đất nước.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ, các thế hệ cán bộ học được từ ông Vũ Khoan rất nhiều điều, từ tư duy sắc sảo, phân tích tình hình thế giới… rất sắc sảo nhưng rất ngắn gọn, dễ hiểu. Bộ Ngoại giao trong một thời gian khá dài đã tổ chức một lớp học dành cho cán bộ trung, cao cấp tại Học viện Ngoại giao để dạy cách tư duy về các vấn đề đối ngoại, với ông Vũ Khoan là giảng viên chính. Vì thế, mọi người thường gọi đây là "lớp Vũ Khoan".
Các thế hệ cán bộ ngoại giao khi được đi học "lớp Vũ Khoan" đều rất tự hào, chăm chú lắng nghe, lĩnh hội kiến thức và vô cùng hãnh diện khi khoe “đã qua lớp Vũ Khoan rồi”. Phương pháp phân tích, nhận diện vấn đề, ứng xử ngoại giao… ông tạo ra một thương hiệu.
Tận sau này, khi ông đã nghỉ hưu, khi có những vấn đề lớn xảy ra, Bộ Ngoại giao bao giờ cũng mời ông có ý kiến, nếu ông không đến dự được thì ghi âm lại để phát lời phát biểu trên hội trường.