Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú(mã ck: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với khoản doanh thu thuần đạt 2.993,2 tỷ đồng, giảm 41,8% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán giảm 38%, qua đó khiến lợi nhuận gộp của MPC giảm 60%, lùi về 321,9 tỷ đồng.
Điểm tích cực hiếm hoi trong kết quả kinh doanh của MPC đến từ việc giảm được 36% chi phí bán hàng. Dù vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng 14% lên mức 75,7 tỷ đồng.
Khấu trừ giá vốn, chi phí, MPC báo lỗ sau thuế 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 332,2 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai của MPC trong năm nay.
Lý giải việc kinh doanh thua lỗ trong quý III/2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết kết quả kinh doanh kém đến từ việc doanh thu bán hàng giảm. Ngoài ra, nguyên nhân khác đến từ việc kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thuỷ sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phúghi nhận doanh thu đạt 7.465,7 tỷ đồng, giảm 46,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của MPC ghi nhận lỗ 114,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 573,9 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 680 tỷ đồng.
Năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.789 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 639 tỷ đồng. Với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn cách rất xa kế hoạch lãi 639,3 tỷ đồng đề ra trong năm nay.
Bên cạnh kết quả kinh doanhthua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Thủy sản Minh Phú còn ghi nhận khoản âm 467,48 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 232,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 335,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 371,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Hàng tồn kho chiếm quá nửa tổng tài sản
Về bức tranh tài chính, tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của MPC đạt 10.973,2 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, hàng tồn kho chiếm quá nửa tổng tài sản với gần 5.651 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu kỳ. Trong đó, tồn kho chủ yếu ghi nhận 5.340,6 tỷ đồng thành phẩm, hàng hoá; 236,3 tỷ đồng sản phẩm dở dang; 140,05 tỷ đồng nguyên vật liệu; và còn lại 18,8 tỷ đồng là công cụ, dụng cụ.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 374,5 tỷ đồng, lên 4.291,8 tỷ đồng (chiếm 39% tổng nguồn vốn).
Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 4.079,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 212,3 tỷ đồng.
Trong vay ngắn hạn, MPC có dư nợ lớn nhất tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Cà Mau với 2.718 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Cà Mau với 1.013 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của MPC tính đến cuối quý III là 5.485 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến hiện tại giảm 15% so với đầu năm về 927,9 tỷ đồng.