(CMO) Ngay sau khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, huyện Cái Nước đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có gần 100 mô hình sản xuất hiệu quả được bà con nông dân nhân rộng, như: mô hình nuôi tôm thâm canh, quảng canh cải tiến, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, nuôi cua, sò huyết xen canh trong vuông tôm và mô hình trồng bồn bồn.
Tập trung các mô hình thế mạnh
Ban chỉ đạo đề án còn xác định ngành hàng chủ lực của địa phương gồm: tôm, cua, sò huyết. Bên cạnh đó, kết hợp quy hoạch phát triển vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng.
Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 88 vùng nuôi tôm thâm canh, với tổng diện tích thả nuôi thường xuyên trên 1.800 ha. Riêng tôm siêu thâm canh cũng được quy hoạch 5 vùng nuôi tập trung, thuộc địa bàn xã Trần Thới, Đông Thới, Đông Hưng, Tân Hưng và Lương Thế Trân, với diện tích tương đương 460 ha.
Đầu ra sản phẩm tôm nguyên liệu của xã viên hợp tác xã trên địa bàn huyện Cái Nước được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. |
Ngoài ra, các xã còn quy hoạch nuôi tôm siêu thâm canh theo hình thức phân tán đối với những nơi có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và lưới điện. Đặc biệt, sẽ phát triển mạnh tôm nuôi quảng canh cải tiến. Bởi đây là loại hình không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao như nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, nên hầu hết bà con nông dân đều thực hiện được. Phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến của huyện lên 28.000 ha.
Riêng đối với cua, sẽ được triển khai thực hiện theo quy hoạch ngành hàng của tỉnh, dự kiến đến năm 2020 có 25.000 ha thả nuôi cua. Duy trì phát triển 2.900 ha sò huyết đối với những nơi có mực nước thuỷ triều dao động lớn, có nhiều phù sa tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho sò.
Đột phá chuỗi liên kết sản xuất
Cùng với quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo đề án, huyện Cái Nước còn kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nhằm nâng cao giá trị ngành hàng chủ lực của huyện.
Đến nay, có tổng số 5 đơn vị tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, chủ yếu ngành tôm. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh hiện đang liên kết hỗ trợ bà con nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, theo quy trình Biofloc tại xã Hoà Mỹ. Đây là quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, không chỉ an toàn, ít tác động đến môi trường nước, mà còn tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, được ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân áp dụng.
"Không dừng lại đó, trong quá trình liên kết sản xuất, bà con nông dân còn được công ty hỗ trợ quy trình thiết kế ao đầm, vật tư phục vụ sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, quản lý và phòng bệnh cho tôm nuôi. Đặc biệt, trong quá trình nuôi chẳng may xảy ra rủi ro, thiệt hại, công ty sẽ hỗ trợ một phần vật tư đầu vào, nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất cho vụ tiếp theo", ông Nguyễn Trần Thọ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, chia sẻ.
Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Đoàn và Công ty Minh Cường kết hợp với Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát, xã Hoà Mỹ, đang triển khai thực hiện vùng nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn Châu Âu và bao tiêu đầu ra sản phẩm tôm nuôi cho xã viên. Với giá thành từ bằng hoặc cao hơn so với giá tôm nguyên liệu trên thị trường, nên hiệu quả sản xuất được nâng lên đáng kể, bà con xã viên hết sức phấn khởi, an tâm sản xuất.
Tương tự, "Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng cũng tham gia chuỗi liên kết sản xuất với xã viên hợp tác xã và bà con nông dân quanh khu vực. Qua đó, giúp nhiều hộ dân có điều kiện sản xuất vươn lên khá giàu từ chuỗi liên kết", ông Huỳnh Diện, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, vui mừng cho biết.
Điều dễ dàng nhận thấy là khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, được doanh nghiệp đầu tư giống và khoa học - kỹ thuật, bà con nông dân không phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất không may xảy ra rủi ro, thiệt hại, bà con nông dân còn được doanh nghiệp chia sẻ và hỗ trợ để có điều kiện tái đầu tư sản xuất cho vụ tiếp theo, không phải treo đầm do thiệt hại dẫn đến thua lỗ như trước đây. Còn về phía doanh nghiệp, khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất sẽ chủ động được nguồn tôm nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Sau gần 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, không chỉ tạo ra chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, nâng cao giá trị ngành hàng tôm nuôi của huyện Cái Nước, mà còn tăng sản lượng thuỷ sản qua từng năm. Cụ thể, "nếu như năm 2015 tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch được 39.800 tấn, thì đến năm 2016 tăng lên trên 41.800 tấn và dự kiến năm 2017 đạt 43.000 tấn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển", ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cái Nước, vui mừng thông tin./.
Việt Tiến