Theo đánh giá của KBNN, việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ giai đoạn 2006-2010 đã được đẩy mạnh theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Hiện tại, hệ thống CNTT của KBNN đã triển khai rộng trên toàn hệ thống từ KBNN trung ương đến 63 tỉnh, thành phố và gần 700 KBNN quận, huyện.
Giai đoạn này, KBNN đã ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN), quỹ tài chính và các quỹ khác do Nhà nước giao quản lý, ứng dụng phục vụ công tác kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ của KBNN.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Trong tương lai khi các ứng dụng được xây dựng và phát triển thêm sẽ tiếp tục được kết nối, tích hợp với TABMIS để hình thành Hệ thống thông tin tài chính tích hợp của Chính phủ.
CNTT còn được ứng dụng trong chương trình quản lý thu tại KBNN (TCS) và ứng dụng trao đổi thông tin thu đối với các đơn vị thuộc ngành Tài chính, giúp cho việc tập trung nhanh chóng các khoản thu vào NSNN, thống nhất nội dung số liệu giữa các cơ quan thu với KBNN; ứng dụng trong hoạt động phát hành và thanh toán trái phiếu và hỗ trợ các hoạt động quản lý, điều hành nội bộ.
Tại hội nghị, KBNN cho biết thêm, giai đoạn tới, định hướng ứng dụng CNTT của KBNN sẽ bám sát các nội dung như: Phát triển và cung cấp dịch vụ công điện tử; Tăng cường kết nối, tích hợp và trao đổi thông tin giữa các ứng dụng CNTT trong nội bộ KBNN, giữa KBNN với các đơn vị liên quan; Xây dựng hệ thống trao đổi thông tin giữa KBNN với hệ thống các ngân hàng; Xây dựng và cung cấp dịch vụ công liên quan đến việc thu thập dữ liệu dự báo dòng tiền từ các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan...
H.Vân