Không gian Khu di tích đền được bao phủ một màu xanh mát.
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn…”
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng gồm có Đền Hạ,ĐềnHugravengNonthiecircngNghĩaLĩbảng xếp hạng bolivia Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương và Đền Giếng ở trên núi Hùng (hay còn được gọi là núi Nghĩa Lĩnh…); đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ ở núi Vặn (Ốc Sơn) và Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đồi Sim (xã Chu Hóa). Núi Hùng là một trong ba ngọn núi cấm “tam sơn cấm địa”. Theo quan niệm của nhân dân địa phương, núi Hùng như chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Toàn Khu Di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, dân cư thưa thớt. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước nên nhân dân đã đóng góp, xây dựng Đền Hùng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, vật liệu chắp vá nên các ngôi đền đã xuống cấp theo thời gian, nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Du khách về thăm viếng, thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Ông Khôi cho biết: Thời điểm năm 2006 việc quyết định đồng ý hay không đồng ý cho tu bổ, tôn tạo một Khu di tích lịch sử Quốc gia cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bởi điều này liên quan đến Luật Di sản, những ảnh hưởng đến ý nghĩa lịch sử, giá trị của công trình và thậm chí cả những yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, sau khi Bộ Xây dựng thực hiện khảo sát, đánh giá nhận thấy các ngôi đền ở Khu Di tích đều đã xuống cấp, không chịu được gió bão cấp 6, 7, có thể gây nguy hiểm cho các đoàn khách đến thăm viếng nên Hội đồng Di sản Quốc gia đã đồng ý cho phép Viện tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thiết kế và giám sát việc tu bổ các công trình, hạng mục ở Đền Hùng với phương châm vẫn giữ hình vẻ, kiến trúc cũ nhưng thay đổi bằng các vật liệu có giá trị và độ bền cao hơn. Nhờ vậy mà các ngôi đền mới giữ được sự vững trãi và trang nghiêm như ngày nay.
Cùng với chỉnh trang, tu sửa các ngôi đền, toàn bộ cảnh quan khu vực xung quanh cũng được bảo tồn nghiêm ngặt. Nếu như trước kia trong khu vực núi Nghĩa Lĩnh có một vạt rừng trồng cây bạch đàn thì nay cũng đã được trồng thay thế hoàn toàn bằng cây bản địa để giữ vẻ xanh mát, nguyên sơ xung quanh đền. Bên cạnh đó, Khu di tích cũng đã quy hoạch lại hệ thống cấp nước cho các hồ trong khu vực, vừa tạo cảnh quan vừa có tác dụng cung cấp nước phòng chống cháy rừng…
Khu di tích thực hiện quy hoạch lại hệ thống cấp nước cho các hồ trong khu vực, vừa tạo cảnh quan vừa có tác dụng cung cấp nước phòng, chống cháy rừng…
Tuy nhiên, theo ông Khôi, vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21 thì việc tu bổ, tôn tạo chỉ là một phần trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Khu di tích. Việc làm rất quan trọng khác là thay đổi bộ mặt văn hóa của Khu di tích.
“Trước làm Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từng đưa nhiều đoàn khách đến thăm viếng Đền Hùng, sau nhận nhiệm vụ Giám đốc Khu di tích trong quá trình đi kiểm tra thực tế tôi thấy rằng các hàng quán tại đây bầy bán khá lộn xộn từ chân đền lên đến cổng, người bán hàng rong đuổi theo chèo kéo khách rất phản cảm. Sau khi đề xuất và được sự chấp thuận của UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động, bà con đã đồng tình ủng hộ việc thay đổi. Mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hàng quán được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp với đầy đủ các mặt hàng phục vụ du khách. Không còn cảnh bán hàng rong chèo kéo khách, tất cả cùng nỗ lực cùng chung tay xây dựng Đền Hùng thật khang trang, bề thế, đảm bảo an toàn, văn minh, mẫu mực, để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách thập phương” - ông Khôi cho biết thêm.
Hàng quán trong Khu di tích được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp với đầy đủ các mặt hàng phục vụ du khách.
Trải qua gần hai chục năm từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Khu di tích và đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu được 11 năm nhưng năm nào ông Khôi cũng dành thời gian để trở lại Đền Hùng thăm viếng và thắp hương tri ân công đức tổ tiên. Đền Hùng với ông không chỉ là thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng mà còn là tình cảm và những kỷ niệm không thể quên. Những nỗ lực của ông và các thế hệ đi trước đã được các thế hệ sau tiếp nối thực hiện. Giờ đây, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được tôn tạo, tu bổ, xây dựng xứng đáng là trung tâm văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” cũng đã có 10 năm được UNESCO đã vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và mỗi dịp tháng Ba về, từ khắp mọi miền Tổ quốc, từng dòng người lại hành hương về với Đền Hùng, nơi cội nguồn dân tộc, để tưởng nhớ tổ tiên cũng như tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch…
Vĩnh Hà (Báo Phú Thọ)