【tot vs leicester】Đồng hành cùng người nghèo
Chăm lo cho người nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội. Đối với các hộ nghèo huyện Dầu Tiếng, trong hành trình thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống của người dân trong thời gian qua luôn có sự đồng hành của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc phòng giao dịch cho hay, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức giao dịch trực tiếp tại xã, thị trấn. Thực hiện phương thức này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tổ chức được mạng lưới rộng khắp đến tất cả các xã, thị trấn nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia chăm lo cho người nghèo.
Tính tích cực của hình thức hoạt động này là gắn kết việc cho vay vốn với việc hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Không chỉ được vay vốn, người dân còn được hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, biết cách làm ăn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện hiện tại. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thức ở ấp Chợ, xã Thanh Tuyền là một trong những điển hình cụ thể. Năm 2016, gia đình bà được giải quyết cho vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Năm 2018, được sự hỗ trợ về vốn, cách thức làm ăn, bà tiếp tục được vay 30 triệu đồng để nuôi bò. Có mưu kế sinh nhai, cuộc sống gia đình bà Thức nay đã dần được ổn định.
Có thể nói, từ sự hỗ trợ vốn kịp thời từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện, cuộc sống của người nghèo, cận nghèo ở Dầu Tiếng ngày càng thay đổi. Từ nguồn vốn vay giúp cho các hộ nghèo có vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trâu bò... để vươn lên thoát nghèo. Những hộ cận nghèo cũng được tiếp cận với vốn vay. Với những hộ này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp cùng hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện cho vay để hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và giảm nguy cơ tái nghèo.
Đồng hành với người nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân ở Dầu Tiếng được tạo mọi điều kiện để mưu sinh. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, hơn 2 năm qua, chương trình đã giúp 1.899 lao động có việc làm, góp phần tăng thu nhập, phát triển các ngành nghề, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất tạo việc làm cho nhiều người lao động, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống cho người lao động.
Có thể nói, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 13.422 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; trên 1.899 lao động có việc làm ổn định, hơn 338 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Vốn vay đã góp phần giảm hộ nghèo mỗi năm, năm 2016 là 36 hộ thoát nghèo, năm 2017 là 31 hộ thoát nghèo, đồng thời tạo việc làm mới trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự trên địa bàn huyện. “Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn ủy thác, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện”, ông Khoa cho biết.
H.THÁI