Thực hiện Công văn số 2448 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”,đắpthmmốiquanhệViệtNam–keo bd hom nay va ngay mai Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 719 về việc thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo, thư ký cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”. Qua 5 tháng phát động, cuộc thi có hàng ngàn bài viết tham gia dự thi.
Nhờ tham gia cuộc thi mà anh Võ Văn Te biết thêm nhiều thông tin bổ ích về lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Mục đích Ban Tuyên giáo Trung ương phát động rộng rãi cuộc thi nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước nhận thức đầy đủ hơn về lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào để từ đó cụ thể hóa bằng hành động góp phần vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước càng thêm bền chặt. Có thể nói, cuộc thi do tỉnh Hậu Giang tổ chức đã đạt được mục đích, ý nghĩa này…
Hiểu hơn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Trước đây, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chị Nguyễn Trúc Linh, chuyên viên Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, biết được nhiều thông tin cơ bản về mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ, gắn bó máu thịt từ trong chiến tranh đến thời bình giữa hai đất nước Việt Nam - Lào. Bởi vậy, khi tỉnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” thì chị tích cực tham gia và coi đây là cơ hội để hiểu biết thêm về mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.
Trong 12 chủ đề mà Ban tổ chức đưa ra, chị chọn chủ đề số 8 “Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới”, vì cho rằng đây là chủ đề hay và có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo và nhân dân hai nước đang tăng cường thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ.
Chọn chủ đề này đòi hỏi chị Linh phải tìm tòi, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều thông tin về lịch sử mối quan hệ của hai nước; những chủ trương, giải pháp mà lãnh đạo hai nước đã và đang thực hiện để tăng cường quan hệ hợp tác.
Công việc cơ quan bận rộn nên chị chỉ có thể tham khảo tài liệu vào buổi tối hay những ngày cuối tuần. Mất gần nửa tháng chị mới hoàn thành bài dự thi dài 16 trang giấy A4.
Chị Linh chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi, tôi không đặt nặng chuyện đoạt giải, chỉ biết cố gắng nghiên cứu, tìm tòi tài liệu thật nhiều để làm tốt bài dự thi, góp phần vào chất lượng chung cho cuộc thi của tỉnh”.
Còn anh Võ Văn Te, Phó phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh, đánh giá cuộc thi này rất có ý nghĩa và khá phù hợp với “sở trường” của anh.
Nói vậy, bởi trước đây khi còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, anh từng tìm hiểu khá nhiều thông tin về mối quan hệ lịch sử đặc biệt Việt Nam - Lào để có thể nói chuyện, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên trong các buổi sinh hoạt truyền thống.
Tuy nhiên, để hoàn thành bài dự thi có độ dài 23 trang thì anh đã tốn không ít thời gian để nghiên cứu tài liệu. Nhìn bài dự thi được bố cục rõ ràng, đẹp mắt với nhiều hình ảnh minh họa, anh Te nói: “Điểm nhấn trong bài thi của tôi là làm rõ mối quan hệ giao lưu hữu nghị giữa tuổi trẻ hai nước. Qua tìm hiểu, tôi biết được tuổi trẻ Việt Nam - Lào đã và đang có nhiều hoạt động giao lưu hết sức thiết thực. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi tương lai về mối quan hệ giữa hai nước đều nằm ở thế hệ trẻ”.
Với vai trò là Phó phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, anh Te có ý tưởng sẽ đề xuất với lãnh đạo Sở Nội vụ phối hợp với Tỉnh đoàn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xin chủ trương để tuổi trẻ tỉnh nhà kết nghĩa với tuổi trẻ một tỉnh nào đó của nước bạn Lào, góp phần vun đắp thêm mối quan hệ, giao lưu giữa tuổi trẻ hai nước.
Quả thật, sự tâm huyết của chị Linh, anh Te và nhiều người khác đã giúp cho cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” thật sự thành công về số lượng lẫn chất lượng.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, đa số các bài dự thi đều viết đúng chủ đề, mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, thể hiện nội dung khái quát, sâu sắc; đảm bảo đủ ý theo chủ đề bài viết lựa chọn. Nhiều bài thi được đầu tư công phu, tìm hiểu, nghiên cứu các tư liệu, báo chí, các trang báo điện tử internet, viết đúng định hướng về tư tưởng mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Bên cạnh đó, hầu hết các bài dự thi đều có minh họa ảnh liên quan đến nội dung bài viết, trình bày đẹp góp phần truyền tải tốt nội dung bài thi.
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
Điều đáng chú ý là ngoài cuộc thi chung do tỉnh phát động, đã có nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh cố gắng tổ chức cuộc thi ở đơn vị mình, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân.
Nổi bật có thể kể đến cuộc thi do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, sau khi nhận được sự chỉ đạo của Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo đã tham mưu cho Đảng ủy Khối phát động cuộc thi trong toàn Đảng bộ Khối với hình thức thi viết; đồng thời chỉ đạo cho cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở tổ chức cuộc thi cấp mình, chấm điểm và chọn ra các bài viết chất lượng (đảng bộ chọn 3 bài, chi bộ chọn 1 bài) để tham gia cuộc thi cấp Đảng ủy Khối.
Kết quả, toàn Đảng bộ Khối có 2.278 bài dự thi. Riêng cuộc thi của Đảng ủy Khối đã nhận được 135 bài dự thi có chất lượng từ các chi, đảng bộ cơ sở. Đảng ủy Khối đã tiến hành tổng kết cuộc thi và trao giải cho 15 bài dự thi có chất lượng.
Bên cạnh đó, để tạo sức lan tỏa cho cuộc thi, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đoàn thể phát động sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi và vận động họ tích cực tham gia. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, sinh viên, học sinh gửi bài tham gia. Ngoài ra, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh & Truyền hình Hậu Giang cũng xây dựng chuyên mục, chuyên trang, dành thời lượng thích hợp góp phần tuyên truyền, cổ động sâu rộng cuộc thi này.
Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hiểu hơn về lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Từ đó, mỗi người sẽ có ý thức và hành động cụ thể để vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt, keo sơn.
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN