Do là địa phương có nguồn thu lớn nhất nước, chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm, đồng thời trong cơ cấu nguồn thu NSNN TP. Hồ Chí Minh, số thu nội địa luôn gấp hơn hai lần số thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu, nên việc để nợ đọng thuế tăng cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến số thu NSNN chung của cả nước. Cơ quan thuế thành phố hiện đang thực hiện quyết liệt các giải pháp làm giảm tỷ lệ nợ thuế.
Nổi bật và chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh công khai thông tin thời gian gần đây đa phần là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến đất. Có trường hợp còn liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như ngoại giao, tôn giáo... càng khiến cho việc xử lý thu hồi thêm khó khăn, phức tạp.
1.826 tỷ đồng nợ thuế liên quan đến đất
Báo cáo công tác thu và quản lý thu NSNN 10 tháng đầu năm 2018 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong tổng số 9.503 tỷ đồng nợ thuế mới phát sinh, có 4.467 tỷ đồng là các khoản thuế và phí, 3.116 tỷ đồng là tiền phạt và tiền chậm nộp, còn lại là 1.826 tỷ đồng nợ liên quan đến đất. Để thu hồi, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp thu nợ, trong đó bước đầu tiên là công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế này.
Trong 887 doanh nghiệp nợ thuế mới nhất vừa bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh “bêu” tên, tổng số tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp lên đến 1.252,6 tỷ đồng. Có 342 doanh nghiệp bất động sản, với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp 834,5 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy (mã số thuế 0312617567) có địa chỉ tại 65 Nguyễn Du, quận 1, với số tiền nợ thuế 350,3 tỷ đồng. Kế đến là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy (mã số thuế 0302827438) nợ 161,3 tỷ đồng. Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh (mã số thuế 3700278542-002) nợ 117,3 tỷ đồng. Công ty CP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang (mã số thuế 0304065312) nợ 92 tỷ đồng.
Theo ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, biện pháp cưỡng chế trước mắt đối với những doanh nghiệp này mới chỉ là ngăn chặn sử dụng hóa đơn (tức ra thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng) chứ chưa sử dụng biện pháp mạnh hơn như kiến nghị rút giấp đăng ký kinh doanh. Lý do là bởi việc nợ thuế chủ yếu xuất phát từ những yếu tố liên quan đến việc triển khai dự án bất động sản như tính pháp lý, thời hạn được giao đất… nên nếu tiến hành biện pháp cưỡng chế mạnh, cụ thể như kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi quyết định giao đất… sẽ khiến việc triển khai dự án của doanh nghiệp càng mất thời gian hơn và việc thu hồi nợ thuế sẽ càng khó hơn.
Nhà Chùa cũng nợ thuế
Quá trình tìm hiểu nguyên nhân khiến nợ thuế tại TP. Hồ Chí Minh tăng cao, phóng viên tiếp cận được khá nhiều trường hợp nợ thuế đặc biệt. Điển hình là trường hợp Chùa Ấn Độ Giáo (Chùa Ấn Giáo, góc đường Pasteur – Tôn Thất Thiệp, quận 1) nợ thuế 14,7 tỷ đồng. Các khoản nợ bao gồm: Nợ gốc tiền thuê đất truy thu 9,8 tỷ đồng, nợ phát sinh 3,1 tỷ đồng và tiền chậm nộp 1,8 tỷ đồng.
Cán bộ thuế chuyên trách vụ việc cho biết, đầu năm 2017, UBND TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất số 66 Tôn Thất Thiệp (diện tích 2.059m2) và 122 Pasteur (diện tích 1.232m2) cho Chùa Ấn Giáo sử dụng vào mục đích tôn giáo. Tuy nhiên, Chùa Ấn Giáo sau đó đã đem phần đất 122 Pasteur cho thuê lại. Do có phát sinh nguồn thu nên UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định điều chỉnh quyết định cấp giấy chứng nhận trước đó theo hướng: Phần đất 122 Pasteur là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và tính tiền thuê đất hàng năm. Quyết định điều chỉnh này được ban hành tháng 10/2015. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh có phiếu chuyển, trong đó yêu cầu Chùa Ấn Giáo nộp tiền thuê đất phần diện tích đem cho thuê từ năm 2010. Tuy nhiên, đại diện nhà Chùa không đồng ý.
Đến đầu tháng 3/2017, đại diện Chùa Ấn Giáo đã có buổi làm việc với cơ quan thuế và cho biết không đồng ý về thời điểm bắt đầu tính tiền thuê đất theo phiếu chuyển do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh ký ngày 2/11/2015 (truy thu tiền thuê đất từ năm 2010). Cơ quan thuế sau đó (tháng 5/2017) đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, trả lời về thời điểm bắt đầu tính tiền thuê đất cho Chùa Ấn Giáo để là làm cơ sở đôn đốc thu nợ theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời. Như vậy, nút thắt của vấn đề sẽ được tháo gỡ một khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh có văn bản trả lời về thời điểm bắt đầu tính tiền thuê đất đối với Chùa Ấn Giáo.
“Nguyên nhân của khoản nợ trên là do chưa giải thích rõ về cách tính tiền thuê đất. Trong khi đó, Chùa Ấn Giáo là cơ sở tôn giáo nên rất nhạy cảm và có liên quan đến yếu tố nước ngoài (Ấn Độ), đồng thời việc cưỡng chế nợ thuế là cực khó, bởi Chùa không có tài khoản ngân hàng, không sử dụng hóa đơn… Đó chính là lý do khiến khoản nợ thuế này dây dưa kéo dài” – cán bộ thuế phụ trách vụ việc khẳng định.
Đỗ Doãn