Cách đây đúng 100 năm,ồvớiCchmạngThngMườnhận định thuy sĩ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trên thế giới, là bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của nhân loại, mở ra thời đại mới cho loài người - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Đây cũng là cuộc cách mạng mà Bác Hồ đặc biệt quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8-1957. Ảnh: VIETNAM+
Ngay từ thời thiếu niên, sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Người đã nhìn thấy sự thống trị hà khắc và tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến. Trong bối cảnh nước nhà bị xâm chiếm, nhân dân phải chịu cảnh lầm than khốn khổ, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc.
Trong thời gian Người đang hoạt động tại châu Âu, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại làm rung chuyển thế giới. Đó là sự bùng nổ và thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản do Đảng Bôn-sê-vích, đứng đầu là Lênin lãnh đạo.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Người rất ngưỡng mộ cuộc cách mạng này và kính phục Lênin. Người đã tích cực tham gia nhiều hoạt động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quả cách mạng. Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Người, giúp Người hiểu rõ: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Người cũng đã nói: “Trong thế giới bây giờ chỉ có kách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như thực dân Pháp khoe khoang ở Việt Nam”. Ở Paris, Người đã viết bài báo “Cách mạng Tháng Mười Nga và các dân tộc thuộc địa”, khẳng định con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga chính là con đường chân chính mà cách mạng các dân tộc phải đi.
Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh các lực lượng yêu nước bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười đến với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” - cuốn sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô đã đánh thắng chủ nghĩa phát xít, giải phóng đất nước, đồng thời góp phần giải phóng nhiều dân tộc khác, cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị sụp đổ. Xác định vai trò lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với phong trào giải phóng dân tộc, Người đã viết: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người… Cách mạng Tháng Mười đem lại cho nhân dân tất cả các dân tộc quyền tự quyết và những phương tiện thực tế để thực hiện”. Trong một bài viết theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Liên Xô, Người còn khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, làm cho nó trở thành làn sóng mãnh liệt trong tất cả các nước phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Dương, Việt Nam… Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã phá tan xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc. Nhiều nước đã tách ra khỏi hệ thống tư bản chủ nghĩa”.
Đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta thoát khỏi gông xiềng nô lệ, tối tăm, nghèo nàn để vươn lên ấm no, hạnh phúc. Nhìn lại lịch sử nước nhà những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Do không sống nổi dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu tranh cứu nước do các nhà yêu nước lãnh đạo. Nhưng do sai lầm về đường lối và phương pháp đấu tranh, nên các phong trào yêu nước đó đều bị thất bại. Chỉ có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trên bước đường bôn ba tìm đường cứu nước, đã bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga; từ đó, Người đã dẫn dắt dân tộc ta đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chính nhờ phấn đấu kiên định đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc ta đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do và đang đi lên xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hội nhập sâu rộng quốc tế. Điều đó làm cho chúng ta tin tưởng vững chắc hơn vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường của Cách mạng Tháng Mười. Những mốc son chói lọi mà cách mạng Việt Nam đã giành được là sự nối tiếp hào hùng lý tưởng, mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”.
Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn cơ hội lợi dụng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”, là “một cuộc cách mạng đẻ non”, trái với tiến trình phát triển của xã hội. Trên thực tế, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết khoa học, cách mạng nhất từ trước đến nay, không phải là sự sụp đổ của một lý tưởng cao đẹp mà loài người đang ngưỡng mộ, hướng tới, mà là sự sụp đổ của những mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, được thiết kế và xây dựng có nhiều điểm bất cập và sai lầm. Đó là chưa kể sự chống phá hết sức quyết liệt của các thế lực đế quốc và bọn cơ hội. Vì thế, mặc dù mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng những người cộng sản và nhân dân lao động trên thế giới vẫn luôn ngưỡng mộ, biết ơn Liên Xô và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của cuộc cách mạng và những cống hiến, đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong lịch sử nhân loại; đồng thời cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, phân tích sâu sắc, khoa học những kinh nghiệm, bài học lịch sử cả về sự thành công lẫn thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong một thế kỷ qua; làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến trì trệ, khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình xô-viết sau hơn bảy thập niên tồn tại và phát triển; từ đó tìm ra những quy luật, những cách thức phát triển mới, phù hợp với xu thế thời đại đang trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
TRUNG HƯNG