TheỦybanTưphápThôngtinvềđấtđaivềcôngtáccánbộcònthiếuminhbạkq vdqg bo dao nhao cơ quan thẩm tra việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch |
Thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ những hạn chế trong phòng ngừa tham nhũng.
Lấy lý do "bí mật công tác" để hạn chế công khai
Hạn chế được Uỷ ban nhấn mạnh là việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2020 (PAPI 2020) về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, so với năm 2019 có 11 tỉnh sụt giảm đáng kể ở cả bốn chỉ số thành phần, gồm: tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã và công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, theo phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy còn có tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, đồng bộ hoặc không công khai, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài chính, công tác cán bộ. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch mặc dù đã có những chuyển biến so với năm 2020 nhưng việc phát hiện vi phạm trong công tác này còn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế . Năm 2021 đã kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chỉ phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.
Đáng chú ý là việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập còn chậm được thực hiện, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả của biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thực tế.
"Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm", báo cáo thẩm tra nêu rõ và dẫn chứng vụ việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo xảy ra tại Vĩnh Phúc, Cần Thơ...
Đáng lưu ý là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng “kẽ hở” về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệpnhằm mục đích vụ lợi; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra cho rằng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; còn có vụ án mà Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định khởi tố ...
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tếcòn thấp .
Liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, cơ quan thẩm tra dẫn số liêụ từ báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng, nhưng mới thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá chung, Uỷ ban của Quốc hội cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021 là “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm . Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục …, trong đó có sự câu kết, “thổi giá” giữa cơ quan, đơn vị và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.
Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với một số hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Chiều nay và ngày mai, công tác phòng chống tham nhũng được Quốc hội thảo luận trực tuyến cùng với các báo cáo khác trong lĩnh vực tư pháp.