Nhật Bản vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ tại biên giới. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, gần một năm sau khi vắc xin được chuyển đến và phân phối, cuộc sống tại nhiều quốc gia châu Á vẫn còn xa với bình thường khi giới chức trách tiếp tục duy trì các hạn chế phòng dịch, đặc biệt là đối với di chuyển, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin đã khá cao.
Kênh Al Jazeera cho biết với sự xuất hiện của biến thể Omicron, câu hỏi được đặt ra là mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến chống virus của khu vực là gì?
Ông Roberto Bruzzone tại viện nghiên cứu Pasteur thuộc đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định rằng không có lựa chọn nào ngoài việc sống chung với COVID-19. Ông nói: “Chúng ta cần tiêm vắc xin phòng COVID-19, thích nghi với vắc xin này như đã trải qua với bệnh cúm, và tiếp tục tiến về phía trước”.
Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “không ca mắc COVID-19” trong khi các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại biên giới bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đạt mức gần 80% dân số.
Theo Hiệp hội Không vận Quốc tế, vận tải hàng không tại châu Á-Thái Bình Dương trong tháng 10 vẫn ở mức giảm 93% so với trước đại dịch. Một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì hoặc tái áp dụng các hạn chế trong nước để kiểm soát dịch.
Hàn Quốc mặc dù đã tiêm vắc xin cho trên 80% dân số nhưng vào ngày 16/12 tuyên bố tái áp dụng lệnh giới nghiêm 9 giờ tối với các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và cấm tụ tập trên 4 người.
Malaysia nơi 79% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 cũng thông báo các hạn chế mới, bao gồm cấm tập trung quy mô lớn.
Singapore, một trong những nước đầu tiên thông báo về việc sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ tiêm là 83% dân số, tiếp tục duy trì các hạn chế tập trung và ăn uống nhóm tối đa 5 người đồng thời giới hạn số khách đến các hộ gia đình mỗi ngày.
Bà Khoo Ying Hooi tại Đại học Malaya (Malaysia) nhận định: “Có lẽ cần phải bước tiếp nhưng điều này đòi hỏi các quốc gia châu Á có năng lực xử lý các ca mắc mới bởi việc tiêm vắc xin không thể đảm bảo cho việc không có ca mắc COVID-19”.
Mặc dù vắc xin đã làm tốt việc giảm ca mắc bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 nhưng chúng vẫn chưa thể ngăn chặn được tình trạng số ca mắc mới tăng ở nhiều quốc gia. Điều này khiến các nhà chức trách quyết định triển khai chương trình tiêm mũi bổ sung dành cho các nhóm đặc biệt.
Giáo sư Cho Sung-il tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đánh giá cần có giải pháp công nghệ để cân bằng y tế công cộng và kinh tế.
Ông Jeff Kingston tại Đại học Temple (Nhật Bản) phân tích với Al Jazeera rằng các chính khách tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cẩn trọng hơn do trải nghiệm của các quốc gia khác như Mỹ nơi có trên 800.000 người thiệt mạng vì COVID-19 trong khi các chính sách lại “không ứng biến được với đại dịch khi chúng ta ngày càng biết nhiều hơn về nó”.