Công tác phòng cháy,ọngtmltạichỗbxh uruguay primera division chữa cháy (PCCC) được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hết sức cần thiết và không của riêng ai. Với phương châm 4 tại chỗ đối với công tác này (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) có thể thấy lực lượng PCCC cơ sở chính là lực lượng nòng cốt.
Kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở.
Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, tọa lạc tại Khu công nghiệp Sông Hậu, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, chuyên chế biến, xuất nhập khẩu mặt hàng tôm, hiện có hơn 4.600 lao động. Từ khi đi vào hoạt động đến nay (hơn 5 năm), đơn vị chưa để xảy ra bất kỳ vụ cháy nổ nào.
Kết quả trên là do Ban giám đốc công ty rất quan tâm chỉ đạo và thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ như: có hồ sơ theo dõi quản lý hoạt động PCCC; có trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy; cán bộ, công nhân viên tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Hiện đơn vị đã thành lập đội PCCC cơ sở gồm 72 đội viên và có tổ chức diễn tập phương án chữa cháy định kỳ.
Tuy nhiên, trong lần kiểm tra gần đây phát hiện một số hạn chế, nên đoàn kiểm tra của tỉnh kiến nghị lãnh đạo đơn vị định kỳ phải tự kiểm tra công tác PCCC; đảm bảo về số lượng, chất lượng phương tiện chữa cháy, đặc biệt phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ, đội PCCC. “Do một vài anh em trong đội PCCC của công ty thỉnh thoảng chuyển vị trí làm việc, một số mới vào nên kiến thức, trình độ về lĩnh vực này còn hạn chế”, ông Tôn Ngọc Mẫn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú, nói.
Không riêng gì Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú, mà qua kiểm tra, phúc tra, nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ, đội chữa cháy cơ sở; kiến thức, nghiệp vụ của các thành viên cũng còn nhiều bất cập.
Thông thường, khi cháy mới phát sinh, những phút đầu lửa nhỏ, chưa cháy lan nên lực lượng PCCC cơ sở với kiến thức được trang bị và phương tiện, thiết bị tại chỗ có thể xử lý tình huống hiệu quả, vì vậy, chủ cơ sở quan tâm đến yếu tố “tại chỗ” sẽ rất có lợi cho công tác này.
Nghị định 167 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC quy định: Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại đơn vị, cơ sở mình. “Đây là một trong những công tác rất quan trọng nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ tiềm ẩn để kịp thời khắc phục, hạn chế tối đa cháy, nổ xảy ra. Do đó, thủ trưởng các đơn vị và chủ các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề phân công nhiệm vụ cho lực lượng tại chỗ, thường xuyên tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại đơn vị, cơ sở mình”, thượng tá Lê Hùng Ân, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, cho biết.
Năm 2015, cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tiến hành kiểm tra công tác an toàn PCCC tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, qua đó ghi nhận các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện khá tốt công tác này. Tuy nhiên, trong năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, có cả nhà dân, thiệt hại tài sản gần 2,3 tỉ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, thiệt hại tài sản trên 500 triệu đồng. Phần lớn nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra là do ý thức của người dân và người lao động còn kém. Đặc biệt, lực lượng PCCC cơ sở còn khá lúng túng khi xử lý sự cố và báo cháy cho lực lượng chuyên nghiệp.
Để phương châm 4 tại chỗ phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng ngừa cháy nổ, thì nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và trang bị kỹ thuật cho lực lượng chữa cháy tại chỗ là yêu cầu cần thiết, cần được quan tâm trong thời gian tới. “Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác này trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị có liên quan bằng nhiều hình thức; tiến hành kiểm tra các cơ sở thuộc diện quản lý. Nếu đơn vị, cơ sở nào cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ tham mưu xử lý theo quy định”, thượng tá Lê Hùng Ân nhấn mạnh.
Điều 39 Nghị định 167/CP ngày 12/11/2013 quy định: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không quản lý phương án chữa cháy theo quy định. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo yêu cầu; b) Không phổ biến phương án chữa cháy. 3. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không trình phê duyệt phương án chữa cháy; b) Không tham gia thực tập phương án chữa cháy; c) Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy; d) Không thực tập đầy đủ các tình huống chữa cháy trong phương án chữa cháy đã được phê duyệt. 4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không xây dựng phương án chữa cháy; b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy. T.T |
Bài, ảnh: H.XUYÊN-PH.BÌNH