Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn CĐS thời gian vừa qua, giải quyết các điểm nghẽn nhằm thúc đẩy CĐS nhanh tại Việt Nam.
Xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như: Xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng DVCTT với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành Tòa án; tăng tốc CĐS trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 14,96%.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (thứ 2 từ trái sang) trải nghiệm mô hình ứng dụng chuyển đổi số của BIDV Cà Mau.
Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.
Đã tiếp nhận trên 1,014 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với CSDLQG về dân cư là gần 605 triệu yêu cầu.
Việc khai thác CSDLQG về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng tham nhũng vặt..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.
Đặc biệt, CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc khi trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị. Đến hết ngày 30/6 đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức.
Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông.
Việc cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6.056 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần)…
UBND Phường 8, TP Cà Mau phối hợp với VNPT Cà Mau hỗ trợ người dân cài đặt sim chính chủ.
Nhấn mạnh mục đích cuối cùng của CĐS là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển; phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về CĐS năm 2023.
“Cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, song song đó phải đẩy mạnh giám sát kiểm tra, huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị tham gia vào CĐS. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện CĐS”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng nằm trong tổng thể việc CĐS. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Phấn đấu đến cuối năm 2023 ít nhất có 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID./.
Hồng Phượng