Cụ thể 7 tháng đầu năm, KBNN chi thường xuyên 401.766 tỷ đồng, đạt 48% dự toán năm 2016; chi đầu tư hơn 111.372 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao.
Đáng chú ý, thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, 7 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã từ chối các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án với số tiền khoảng 23 tỷ đồng. Số tiền từ chối này là do các đơn vị đề nghị thanh toán chưa đúng chế độ quy định của pháp luật hiện hành và chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo KBNN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 22/CT-TTg, các đơn vị KBNN cương quyết từ chối không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30-6-2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức đấu thầu.
Theo báo cáo, ngay từ đầu năm, hệ thống KBNN đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Cùng với đó, Tổng Giám đốc KBNN cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2016 và nhiều văn bản để quán triệt, chỉ đạo hệ thống KBNN kiểm soát chi chặt chẽ nhất là các nội dung chi mua sắm tài sản; chi mua ô tô; chi thường xuyên duy trì hoạt động của các cơ quan đơn vị; các khoản chi từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thuộc kế hoạch năm 2016…
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN đã thực hiện tốt vai trò của mình thông qua việc xây dựng cơ chế về kiểm soát các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua KBNN. Đây là một trong những quy định về nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục, thời gian kiểm soát chi thường xuyên,.... mà Bộ Tài chính đặt ra để các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tuân thủ. Đồng thời, KBNN thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu của các đơn vị đơn vị trên cơ sở hồ sơ, tài liệu các đơn vị gửi đến.
Đối với chi đầu tư, KBNN đã tích cực và có nhiều ý kiến tham mưu cho Bộ Tài chính trong việc xây dựng cơ chế về quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng cải cách mạnh mẽ, từ việc cải cách quy trình nghiệp vụ đến nguyên tắc kiểm soát thanh toán và đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính về hồ sơ, tài liệu thanh toán vốn đầu tư,…. Điều đó đã đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương thức quản lý theo Luật Đầu tư công.