Nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho các nhà sản xuất cao su thiên nhiên Việt Nam | |
Phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện | |
Hướng tới phát triển bền vững hậu Covid-19 |
Diễn đàn doanh nghiệp 2020 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”. Ảnh: H.Dịu |
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp 2020 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”.
Chia sẻ về nỗ lực để phát triển bền vững trong thời gian qua, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam cho hay, không chỉ hướng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện DN còn tập trung sản xuất bền vững (100% nhà máy của Nestle Việt Nam không gây tác động đến môi trường, 40% năng lượng sử dụng trong các nhà máy là năng lượng tái tạo…)
DN này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cắt giảm phát thải carbon đến 20%, đến 2030 cắt giảm 50%, và đến 2050 sẽ loại bỏ hoàn toàn phát thải carbon khỏi quá trình sản xuất.
Nói về lợi ích của phát triển bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng, thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được cho mình các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác.
Theo khảo sát của VCCI, 60% doanh nghiệp cho biết họ đã kinh doanh tốt hơn khi thực hiện Bộ chỉ số về phát triển bền vững.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nếu thiếu doanh nghiệp. Việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu với trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng, phát triển bền vững là mục tiêu phấn đấu chung của toàn cầu với 17 nhóm mục tiêu, hơn 230 tiêu chí đánh giá. Việt Nam cũng đã có kế hoạch hành động quốc gia, lồng ghép 17 mục tiêu quốc tế và chọn ra các mục tiêu cụ thể của Việt Nam đưa vào các văn kiện của Đảng, các bộ luật, các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong 10 năm tới thì vẫn là thách thức lớn. Nếu nhìn kỹ vào các mục tiêu chung của thế giới và Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Hơn nữa, phát triển bền vững tại Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng sức lan tỏa chưa cao. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp, nhưng cũng chỉ có 2.000 doanh nghiệp (chiếm 2%) là thành viên của cộng đồng DN phát triển bền vững ở Việt Nam, mới khoảng 100.000 doanh nghiệp (15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, theo TS. Vũ Tiến Lộc, phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này trước hết là do nhận thức khiến sự lan toả còn chậm.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp và chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, cơ quan quản lý và các bộ, ngành cần tạo ra môi trường thuận lợi về chính sách và phát luật cho doanh nghiệp. Thiết kế các gói hỗ trợ, công cụ hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời, cần có sự phối hợp với tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các tổ chức khác để phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới môi trường kinh doanh – đầu tư thông thoáng hơn, nghĩa là phải có khung khổ pháp lý và chính sách để doanh nghiệp phát triển bền vững. Nên các bộ, ngành cần cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, ghi nhận vướng mắc, tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp.