Mức thuế nhập khẩu đã giảm thấp hơn 3% so với cam kết
Nói về những tác động của việc gia nhập WTO, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kể từ khi gia nhập WTO năm 2006, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp trên 3 lần, đạt xấp xỉ 204 tỷ USD trong năm 2015, thu nhập bình quân đầu người từ 730 USD lên 2.109 USD, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Tăng trưởng thương mại là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2015 đạt 327,76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng 390% nếu so với thời điểm năm 2006 (84 tỷ USD).
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết giảm mức thuế bình quân từ mức 17,4% (năm 2007) xuống còn 13,4%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 1/1/2015, mức thuế bình quân biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam là 10,54% (thấp hơn so với mức cam kết cắt giảm khoảng 3%) do các đòi hỏi thực tiễn từ tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam hậu WTO, phục vụ mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và ông Roberto Azevêdo chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác. Ảnh: NM. |
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hóa thương mại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa và đơn giản thủ tục ngành Hải quan một cách toàn diện. Thủ tục hành chính về hải quan hiện còn 225 thủ tục, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa là 8 giờ làm việc. Việt Nam cũng đã triển khai thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, áp dụng cơ chế một cửa ASEAN.
Trong lĩnh vực thuế, việc ban hành một số luật, nghị định, thông tư sửa đổi một số luật thuế trước đây đã góp phần tích cực giảm số giờ nộp thuế trung bình của doanh nghiệp xuống còn 117 giờ/năm so với mức 537 giờ trước đó.
Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện tại tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm gia nhập WTO, chiếm xấp xỉ 35% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng tăng mạnh trong những năm qua.
Trong các lĩnh vực khác như DNNN, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán, Việt Nam đều thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong WTO, dần dần từng bước minh bạch hóa và tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Đưa DNNVV tham gia hệ thống thương mại toàn cầu
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện Việt Nam đã chính thức tham gia 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đã ký kết thêm 2 Hiệp định FTA mới là: Hiệp định TPP và Liên minh Kinh tế Á-Âu, đồng thời đã chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Việc tham gia các FTA vừa là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, song cũng mang lại nhiều thách thức đối với nền kinh tế khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm nhập khẩu, lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị WTO hỗ trợ thêm kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm gia nhập WTO của Việt Nam và rất mong có sự tham gia của chuyên gia WTO để chia sẻ kinh nghiệm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Ông Roberto Azevêdo cho biết, sẽ sẵn sàng cử chuyên gia của WTO đến tham dự hội nghị và sẽ có những chia sẻ mang tính kỹ thuật đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Roberto Azevêdo cũng cho biết, trong các cuộc thảo luận gần đây của các thành viên WTO, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc WTO, mặc dù nội dung này mới đưa ra thảo luận, chưa phải là nội dung chính thức để các bên đưa ra cam kết, nhưng “đó như một bài tập để các nước có thể xem xét đến các chính sách ưu tiên đối với các DNNVV”.
Ông Roberto Azevêdo cho rằng, vấn đề hỗ trợ các DNNVV đối với Việt Nam rất quan trọng. Vì các DN này tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, là chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu quan trọng.
“Có những nước, các DNNVV có thể thu hút tới 90% lao động. Vì thế, tôi rất ủng hộ các chính sách để hỗ trợ cho các DN này, đưa các DNNVV tham gia hệ thống thương mại toàn cầu", ông Roberto Azevêdo nói./.
Nhật Minh