(CMO) Nhiều năm trở lại đây, việc giáo dục và giúp đỡ nữ phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng chuyển biến tích cực. Đó là nhờ sự chung tay phối hợp giữa các sở, ban, ngành, trong đó nòng cốt là Hội LHPN các cấp. Song, trên tất cả vẫn là ý thức tự vươn lên từ phía phạm nhân để ngày trở về không còn xa.
Phấn đấu cho ngày trở lại
Trại giam Cái Tàu trực thuộc Cục C10 (Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, có 3 phân trại trực thuộc, trong đó có khu giam giữ phạm nhân nữ. Hiện tại trại giam giữ 653 phạm nhân nữ, trong đó 534 phạm nhân là người ở địa phương. Số đông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trước khi phạm tội họ không có nghề nghiệp, việc làm ổn định.
Nữ phạm nhân được đào tạo nghề trong lúc chấp hành án tại Trại giam Cái Tàu. |
Thời gian qua, ngoài việc động viên các nữ phạm nhân cố gắng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời, giám thị trại giam còn quan tâm giúp đỡ, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật. Song, vấn đề tái hoà nhập cộng đồng có được xã hội chào đón, gia đình, hàng xóm có kỳ thị hay xa lánh… là điều nữ phạm nhân còn băn khoăn.
Đại tá Phan Văn Hái, Giám thị Trại giam Cái Tàu, cho biết: “Trường hợp các phạm nhân sắp chấp hành án xong, trước đó 2 tháng trại giam sẽ gửi công văn cho địa phương để có kế hoạch giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng. Riêng nữ phạm nhân sẽ giao cho Hội LHPN tỉnh, huyện, thành phố lên kế hoạch hỗ trợ”. 5 năm qua, trại đã giới thiệu cho 531 phạm nhân nữ (trong đó có 201 người địa phương) chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện để Hội LHPN giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi... Từ đó, giúp các chị ổn định cuộc sống, đến nay không có trường hợp tái phạm.
Việc đột ngột thay đổi môi trường sống phần nào làm nữ phạm nhân cảm thấy lo lắng, dẫn đến sống khép kín, ảnh hưởng đến quá trình và kết quả lao động, cải tạo. Chính vì vậy, hàng năm, Trại giam Cái Tàu phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như khám chữa bệnh định kỳ, tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới, kỹ năng sống, ý tưởng khởi nghiệp, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, cuộc thi viết cảm nhận về sách... Đặc biệt, vào những ngày lễ, ngày truyền thống của phụ nữ... đều tổ chức họp mặt kỷ niệm, thi nấu ăn, cắm hoa, thi tay nghề giỏi... Qua đó, giáo dục truyền thống, thẩm mỹ, đồng thời xoá bỏ mặc cảm, tự ti của phạm nhân nữ.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện để nữ phạm nhân có nghề nghiệp ổn định sau khi tái hoà nhập, trong quá trình thụ án tại trại giam sẽ được đào tạo một số nghề cơ bản như nữ công gia chánh, uốn tóc, trang điểm, may... Đây là những nghề sau khi mãn hạn họ có thể lao động để tự trang trải cuộc sống.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng thực tế việc tổ chức giúp đỡ nữ phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng tại một số địa phương gặp khó khăn.
Theo đó, công tác dạy nghề, truyền nghề cho nữ phạm nhân hiệu quả còn thấp. Thực tế những nghề được dạy chưa phù hợp với thị trường lao động tại địa phương, do đó, khi tái hoà nhập cộng đồng rất khó tìm được việc làm. Mặt khác, một số phạm nhân nữ có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh xuất thân đặc biệt, thậm chí không có nơi cư trú nhất định. Vì vậy, khi chấp hành xong án phạt tù không trở về địa phương rất khó quản lý, theo dõi và giúp đỡ.
Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời Nguyễn Kim Lên cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, địa phương tiếp nhận 21 trường hợp tái hoà nhập cộng đồng. Dù đã chấp hành án xong, khi trở về nhiều chị em mặc cảm, không tiếp xúc với người ngoài. Đặc biệt, nhiều gia đình còn có thái độ kỳ thị chính người thân của mình”.
Bà Lên cho biết thêm: “Tuỳ từng đối tượng sẽ có bước hỗ trợ phù hợp, vì đa phần chị em là người có trình độ thấp nên Hội LHPN hỗ trợ vốn để họ có thể làm một số việc đơn giản như chăn nuôi, buôn bán nhỏ... Tuy nhiên, theo rà soát, sau khi trở về, vì không có công việc ổn định nên chị em đều rời địa phương đi làm ăn xa. Năm 2020, hội tiếp nhận 7 chị về địa phương nhưng đến nay chỉ còn 1 chị ở lại. Chính vì vậy, tôi mong muốn cộng đồng xã hội, đặc biệt là những doanh nghiệp tại địa phương tạo cơ hội, điều kiện việc làm để chị em an tâm sống”.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Trần Thị Kiều Yến cho biết: “Với vai trò là cầu nối, ngày đầu các chị trở về địa phương, chị em các chi hội phụ nữ tại cơ sở kịp thời đến động viên về mặt tinh thần, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để có hướng hỗ trợ phù hợp. Trong phạm vi có thể, chúng tôi sẽ vận động mọi nguồn lực, liên kết với các sở, ban, ngành liên quan đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất giúp các chị xoá bỏ mặc cảm, rà soát những mô hình làm ăn hiệu quả để nhân rộng cho chị em, đồng thời giới thiệu các chị vào hội để có bước hỗ trợ, đồng hành lâu dài”./.
Yến Nhi