Khảo sát thị trường ngày mùng 2 Tết tại một số chợ Mơ, chợ Hôm - Đức Viên, chợ 8/3 phố Quỳnh Mai cho thấy: Do người dân được nghỉ Tết dài ngày nên nhu cầu mua sắm Tết được dàn trải ra nhiều ngày và cũng tăng cao hơn.
Chính vì vậy, dù lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào nhưng áp lực sức mua sắm đến ngày 30 Tết vẫn tăng cao ở các địa phương. Điều này đã khiến tại một số địa phương giá cả vẫn có xu hướng tăng so với ngày thường và tăng nhẹ so với ngày 29 Tết.
Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, hoạt động mua sắm chủ yếu là hoa cảnh (đào, quất), cây cảnh, rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Cùng đó, tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn lượng hàng hoá dồi dào, sức mua tăng từ 30 - 35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định. Giá hoa, cây cảnh tương đương hoặc tăng từ 5 -10% so Tết năm trước.
Tuy nhiên, khác biệt hơn so với những năm trước do tâm lý người tiêu dùng bắt đầu thay đổi. Họ không còn mua sắm nhiều cất tủ lạnh để tích trữ thực phẩm như trước đây nên từ cuối giờ chiều ngày 30 Tết giá cả gần như trở lại bình thường và không có biến động nhiều.
Thời điểm này, tại các chợ Mơ, chợ 8/3 và chợ Hôm - Đức Viên, giá các loại giò lụa dao động ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt lợn từ 150.000 - 170.000 đồng/kg thịt bò thăn từ 270.000 - 280.000 đồng/kg, gà ta giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, cá chép loại to 130.000 đồng/kg.
Chỉ riêng với mặt hàng rau xanh do tiêu thụ nhiều chất, người dân bắt đầu háo và tìm mua rau ăn lẩu hoặc rau luộc nên giá các loại rau củ có nhích hơn so với ngày thường nhưng không quá cao. Cụ thể, giá rau muống đang ở mức 12.000 -15.000 đồng/bó, rau cải 12.000 đồng/bó, su hào 8.000 - 10.000 đồng/củ…
Ngày 18/2 (mùng 3 Tết) tất cả các hệ thống siêu thị trở lại hoạt động bình thường nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng với nguồn cung đảm bảo cả về chất lượng và giá cả sẽ giúp thị trường ổn định và chuyển động đúng quỹ đạo./.
Theo TTXVN