Ảnh minh họa |
Kết thúc phiên, tại thị trường chứng khoán Mỹ chỉ số Nasdaq Composite ở mức 14.970,19 điểm, không thay đổi so với phiên trước. Chỉ số Dow Jones nhích 15,29 điểm (tương đương 0,04%) lên 37.711,02 điểm. Còn chỉ số S&P 500 lùi 0,07% xuống 4.780,24 điểm. Vào đầu phiên, S&P 500 đã tích tắc dao động trên mức đóng cửa cao kỷ lục là 4.796,56 điểm.
Tình trạng lình xình của chứng khoán Mỹ phiên này là do báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2023 cao hơn một chút so với dự báo. Tuy nhiên, CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trùng khớp với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát kéo dài nhưng đang hạ nhiệt. Dữ liệu công bố vào ngày thứ Năm cho thấy việc hạ lãi suất trong tương lai có thể diễn ra chậm hơn.
Theo trưởng bộ phận chiến lược đầu tư Sam Stovall của CFRA, động thái của thị trường trong ngày thứ năm một phần bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng nóng lên xung quanh thời điểm hạ lãi suất của Fed, cũng như sự lo lắng về mùa cáo cáo lợi nhuận.
Tuần này sẽ khởi động mùa báo cáo lợi nhuận quý 4/2023, với sự góp mặt của các ngân hàng Bank of America, Wells Fargo và JPMorgan Chase báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 12/01.
Ngược chiều với chứng khoán Mỹ, tại châu Á, các thị trường đồng loạt tăng điểm với chỉ số Nikkei 225 và Shanghai Composite của các sàn chứng khoán Tokyo, Thượng Hải đã lần lượt tăng 1,8% và 0,3% lên các mức 35.049,86 điểm và 2.886,65 điểm. Trong đó, chỉ số Nikkei của sàn chứng khoán Tokyo đã vượt mốc 35.000 điểm lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1990, nhờ xu hướng giảm mạnh của đồng yen giúp các nhà xuất khẩu được hưởng lợi.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 1,27% lên 16.302,04 điểm. Các thị trường Sydney, Wellington, Mumbai, Singapore, Taipei, Manila và Jakarta cũng đều giao dịch trong sắc xanh./.