Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số | |
Ngành Tài chính tiên phong trong cuộc cách mạng số | |
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ |
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chiến lược đã đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
Đây là mục tiêu rất tham vọng. Điều này cho thấy tất cả các khu vực bao gồm khu vực công hay khu vực DN cũng như các nhà phân tích, chuyên gia… đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc làm sao để có thể tăng doanh thu, tăng tiềm năng của DN, gia tăng sự đóng góp vào GDP trong thời gian tới. Khoa học công nghệ có thể sẽ đem lại những thay đổi khó đoán trước được. Dù là mục tiêu táo bạo, tham vọng nhưng trong khoảng thời gian dài như vậy hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí thực tế đạt được còn cao hơn mục tiêu.
Theo ông, đâu là những lĩnh vực, ngành hàng đã và đang chứng kiến sự nỗ lực đổi mới sáng tạo nhiều nhất, hiệu quả nhất?
2 năm qua, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là điều không mong muốn nhưng thực chất lại là hoàn cảnh tạo nên sức ép cho rất nhiều DN, buộc DN phải thay đổi. Khi thị trường thay đổi, khách hàng thay đổi, cách thức cung cấp hàng hoá, dịch vụ thay đổi, thậm chí bản thân các đối thủ cạnh tranh cũng thay đổi thì DN phải thay đổi mới có thể tồn tại. Như vậy, đổi mới sáng tạo gần như là nhu cầu bắt buộc đối với các DN. Nếu DN chủ động, nắm bắt và thực hiện đổi mới sáng tạo trước được thì sẽ có năng lực tồn tại, cạnh tranh tốt hơn.
Theo quan sát cá nhân, thời gian qua một trong những nhóm ngành nhìn nhận có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo là nhóm ngành liên quan đến công nghệ bockchain. Bên cạnh đó, kinh tế số đã áp dụng ở rất nhiều DN, ngành nghề truyền thống như: DN bất động sản, DN thương mại điện tử hay DN lĩnh vực vận tải, kho bãi… Phần lớn các DN đều đã cố gắng áp dụng nền tảng công nghệ mới.
Một số ý kiến cho rằng, đa phần DN Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và dành nguồn lực phù hợp cho hoạt động đổi mới sáng tạo của DN. Quan điểm của ông ra sao?
Khảo sát và đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số % doanh thu DN Việt Nam dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trung bình chỉ dưới 1%. Đây là con số rất thấp so với mức trung bình của các quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines… là khoảng 9% doanh thu. Tại các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… con số này còn cao hơn rất nhiều khoảng từ 30-50% doanh thu.
Như vậy, tỷ lệ % doanh thu DN Việt dành cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo còn rất thấp, khi đó rất khó có thể trông đợi có sự chuyển biến, chưa nói tới đột phá về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng với hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo. Xin ông cho biết, cần phải nhìn nhận, tính toán để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ra sao trong thời gian tới?
Nhân lực là câu chuyện có ý nghĩa rất quan trọng. Nhân lực ở đây không phải chỉ đến giai đoạn nào đó mới lưu ý đến việc đi tìm mà phải chuẩn bị, phát triển nguồn nhân lực ở các giai đoạn khác nhau.
Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã có Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có chương trình lồng ghép trong nội dung đào tạo nghề về việc làm thế nào để nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có lẽ Việt Nam vẫn chưa thực sự đặt mục tiêu, trọng tâm phát triển nguồn nhân lực hướng đến phục vụ cho đổi mới sáng tạo hay phục vụ cho yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đương nhiên cũng có may mắn là ngày càng chứng kiến nhiều hơn các bạn học sinh, sinh viên có sáng kiến khởi nghiệp; có những DN khởi nghiệp đạt được thành tựu đáng kể ngay cả những công ty lớn cũng phải mất rất nhiều năm mới có thể đạt được.
Rõ ràng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo là vấn đề tất cả các bên như cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan, tổ chức liên quan đến thị trường nguồn nhân lực; các DN phải cùng nỗ lực. Thời gian tới, cần lưu ý hơn nữa trong trong đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả các cấp nhằm đóng góp tốt hơn vào từng quá trình tạo ra giá trị của DN.
Xin cảm ơn ông!
Theo “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Chiến lược đặt ra mục tiêu: đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%. |