Quang cảnh cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN) |
Trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với một số thách thức lớn, như xung đột địa chính trị tiếp diễn, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao, thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để đối phó với thách thức, nhiều quốc gia đã chủ động thực hiện điều chỉnh chính sách, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và bảo vệ nền kinh tế trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trên toàn cầu.
- Mỹ:Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong năm 2024 tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Bất chấp những khó khăn và thách thức, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, tốt hơn so với kỳ vọng.
Về chính sách thương mại, tháng 9/2024, Nhà Trắng thông báo quyết định nâng thuế lên 100% đối với xe điện (EV) và 25% đối với pin xe điện từ Trung Quốc, bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 10/2024.
Ngày 29/11, Bộ Thương mại Mỹ công bố áp thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng Mặt Trời đến từ bốn quốc gia Đông Nam Á, tùy thuộc vào công ty sản xuất...
Tiếp theo, đến tháng 12/2024, cường quốc lớn nhất thế giới công bố nâng thuế từ 25% lên 50% đối với một số mặt hàng công nghệ khác của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trước đó, nước này cũng đã thông báo thắt chặt các hạn chế nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến của mình.
Về chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngày 18/12, đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu về 4,25-4,5%. Đây là lần thứ ba liên tiếp cơ quan này giảm lãi suất, sau hai lần hạ lần lượt là 0,5 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9 và 11/2024. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed đã tạo “đòn bẩy” cho các thị trường và phần nào hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Với việc nước Mỹ sắp có bộ máy chính phủ mới, dự kiến các chính sách kinh tế-thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2025.
- Liên minh châu Âu (EU):Nền kinh tế của “lục địa già” trong năm 2024 vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. So với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,4% của năm 2023, GDP năm nay của Khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến tăng 0,8%. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo rằng rủi ro đối với tăng trưởng “vẫn nghiêng về phía tiêu cực”.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong năm 2024 của EU là việc Luật trí tuệ nhân tạo (AI), đã chính thức được Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới về quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan.
Về chính sách tài khóa, các nhà lãnh đạo EU ngày 22/3 nhất trí thực thi một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong năm 2025, nhằm đảm bảo mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Ngoài ra, 27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch về cách thức thu hút vốn tư nhân vào châu Âu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kinh tế kỹ thuật số, tăng tính cạnh tranh về các công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng, với trọng tâm là tạo ra một Liên minh Thị trường vốn (CMU) của EU, giảm bớt các rào cản đối với đầu tư tư nhân xuyên biên giới.
Về chính sách thương mại, ngày 29/10, EU đã thông báo chính thức áp thuế lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc với mức thuế lên đến 45,3%, có hiệu lực từ ngày 30/10 và kéo dài trong vòng 5 năm. Động thái này được dự báo sẽ khơi mào cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc trong thời gian tới.
Ngày 17/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức phê chuẩn đề xuất hoãn thực thi 12 tháng đối với Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), một trong những trụ cột chính của Thỏa thuận Xanh. EP nhất trí đưa thời điểm luật có hiệu lực mới sang ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, như cà phê, dầu cọ, gỗ… tại các nước đang phát triển có thêm thời gian để thích ứng với quy định mới của EU.
Trong năm 2024, ECB có 4 lần hạ lãi suất, đưa lãi suất cơ bản về ngưỡng 3%, từ mức đỉnh 4,5%. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng ECB sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang bị kìm hãm bởi tình hình bất ổn chính trị trong khu vực và nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.
- Anh: Năm 2024, nước Anh tiếp tục đối mặt với những thách thức sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, chuỗi cung ứng và lao động.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ Brexit, Anh đã mở rộng ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với nhiều quốc gia khác và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ ngày 15/12/2024.
Sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đang từng bước thực hiện các cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đó, bao gồm điều chỉnh thuế cá nhân và doanh nghiệp, xóa bỏ kế hoạch trục xuất người di cư gây tranh cãi của chính phủ trước, đồng thời mở rộng hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân…
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã có hai đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 8 và 11/2024, đưa lãi suất tham chiếu về 4,75%. Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 11/2024, BoE cho biết ngân sách mới của Chính phủ Anh có thể sẽ làm tăng lạm phát và tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, mặc dù vẫn “đánh tín hiệu” sẽ tiếp tục có các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, nhưng giới chức BoE sẽ thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất quá nhanh.
- Australia:Nền kinh tế lớn nhất châu Đại dương đang chứng kiến sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng vẫn đối mặt với những thách thức từ lạm phát, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nhà ở và thực phẩm. Trong năm 2024, Chính phủ Australia tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa hỗ trợ, để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế.
Về lĩnh vực thương mại, căng thẳng thương mại và đầu tư giữa Australia và Trung Quốc đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, để tránh sự phụ thuộc quá mức vào cường quốc lớn thứ hai thế giới, Chính phủ Australia đã tập trung mở rộng đối tác thương mại mới, thúc đẩy tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và Đông Á.
Trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hậu đại dịch COVID-19, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, tức ngân hàng trung ương) đã nâng lãi suất từ 0,10% lên 4,35%, ít hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương lớn khác. Do rủi ro lạm phát cao kéo dài, trong năm 2024, RBA quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 13 năm qua, nhưng cho biết sẽ xem xét hạ lãi suất trong năm 2025, nếu các dữ liệu kinh tế tốt dần lên theo dự báo của cơ quan này.
- Trung Quốc: Trong năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn đang nỗ lực phục hồi. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang mô hình tăng trưởng bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa và đổi mới sáng tạo. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng vươn mình ra thị trường quốc tế, như lĩnh vực xe điện, pin xe điện, pin Mặt trời, tua-bin gió.
Từ cuối tháng 9/2024, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, như hạ lãi suất cho vay đối với các khoản thế chấp mua nhà, nới lỏng quy định về mua căn nhà thứ hai, mua lại nguồn cung căn hộ dư thừa…
Sang đến tháng 11/2024, một gói kích thích tài khóa trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua, tập trung vào các biện pháp hỗ trợ các chính quyền địa phương tái cơ cấu nợ.
Gần đây nhất, tại cuộc họp Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9/12, các nhà hoạch định chính sách đã đề xuất thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý”, đánh dấu lần điều chỉnh chính sách tiền tệ đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2011. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- Nhật Bản:Mặc dù nhu cầu tiêu dùng phục hồi đã mang lại “sự tươi sáng” cho nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2024, nhưng chi tiêu vốn và nhu cầu bên ngoài thấp cho thấy nền kinh tế vẫn thiếu sự hỗ trợ để phục hồi tổng thể. Vấn đề nổi bật của nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2024 tiếp tục là việc đồng yen trượt giá so với đồng USD, rơi xuống mức thấp nhất trong 38 năm qua. Sự mất giá của đồng yen khiến giá hàng nhập khẩu tăng cao và làm thất thoát dòng vốn đầu tư.
Từ tháng 3/2024, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm, sau đó nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7/2024. Điều này cho thấy BoJ đang chuyển dần khỏi giai đoạn nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, kéo dài trong hai thập kỷ qua. Hành động của BoJ gây ra sự chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu, trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác có hướng đi ngược lại.
Sau cuộc họp về chính sách tiền tệ ngày 19/12, BoJ quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, nhưng khẳng định sẵn sàng tăng lãi suất trong năm 2025 nếu tiền lương và giá cả tiếp tục diễn biến như kỳ vọng.
Ngoài các biện pháp kích thích của BoJ, Chính phủ Nhật Bản trong tháng 7/2024 đã can thiệp vào thị trường tiền tệ, với tổng giá trị lên đến hơn 5,53 tỷ yen (khoảng 36,8 tỷ USD). Trước đó vào cuối tháng 5/2024, Chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận có đợt can thiệp tiền tệ đầu tiên kể từ tháng 10/2022, với tổng giá trị khoảng 19,3 tỷ USD.
Trong năm 2024, các nền kinh tế từ phát triển cho tới đang phát triển đều phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì tăng trưởng bền vững. Dự kiến, bước sang năm 2025, các chính sách tập trung vào chuyển đổi năng lượng, phát triển công nghệ cao, cải cách lao động và duy trì ổn định tài khóa sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc định hình nền kinh tế của mỗi quốc gia và kinh tế toàn cầu./.