【kq h2 phap】Họp rút kinh nghiệm sau vụ cháy rừng ở Nông trường 402
“Lửa càng lớn thì quyết tâm càng cao và xem đây là bài học quý giá, làm kinh nghiệm thực tế, làm tốt hơn trong thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nêu tại cuộc họp rút kinh nghiệm vào chiều 13/4 sau vụ cháy tại khu rừng do Đội quản lý đất quốc phòng - Cục Hậu cần Quân khu 9 (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) quản lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các lực lượng, đơn vị chữa cháy rừng tại Đội quản lý đất quốc phòng đã làm hết sức, hết lòng, đáng được biểu dương, khen ngợi, cần tiếp tục phát huy cao hơn nữa trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử biểu dương các lực lượng tham gia chữa cháy rừng vừa qua, yêu cầu tiếp tục phát huy, làm tốt hơn trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền, nhất là đối với chủ rừng chưa thực hiện tốt công tác xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Phát biểu tại cuộc họp rút kinh nghiệm sau vụ cháy rừng thuộc khu đất quốc phòng, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng, do Đội quản lý đất quốc phòng chưa chủ động thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn quản lý, cụ thể như: chưa xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR, phương tiện máy móc chữa cháy, số lượng vòi chữa cháy chưa đảm bảo, không có chòi quan sát lửa, không phát hiện điểm cháy kịp thời...
Ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, yêu cầu cần thực hiện nghiêm việc xây dựng phương án PCCCR, làm tốt hơn công tác phố hợp khi có sự cố xảy ra.
Vụ cháy trên xảy ra vào trưa ngày 10/4. Sau khi tăng cường các lực lượng lên đến gần 600 người, cùng với trang thiết bị hiện đại, kể cả sử dụng thiết bị flycam tầm nhiệt, đến trưa 11/4 đã dập tắt được đám cháy, ước thiệt hại gần 40 ha.
Trung tá Đoàn Văn Sang, Giám đốc Nông trường 402, thừa nhận do chưa chủ động trong thực hiện các phương án PCCCR nên việc phát hiện, cũng như báo cháy chậm, còn nhiều lúng túng công công tác chữa cháy, dẫn đến cháy lan, thiệt hại lớn.
“Vụ cháy cây tràm tái sinh, tràm trồng tại Đội quản lý đất quốc phòng, Cục Hậu cần, Quân khu 9 gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh phí, gây ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học”, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau, nhận định.
Ông Thức cho biết, đến nay tất cả các chủ rừng (gồm 15 chủ rừng là tổ chức, 1 cộng đồng dân cư và 1.615 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân) đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCCR từ khi mùa mưa vừa kết thúc; đồng thời tổ chức thực tập phương án PCCCR theo đúng quy định.
“Tuy nhiên, Đội quản lý đất quốc phòng chưa thực hiện tốt biện pháp PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, ông Thức khẳng định về vụ cháy vừa xảy ra, đồng thời chỉ rõ công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy ban đầu còn lúng túng, nhận định chưa tốt về diễn biến vụ cháy, đặc biệt là tốc độ di chuyển của đám cháy; do đó chưa đưa ra các giải pháp chữa cháy phù hợp ngay từ ban đầu để ngăn chặn kịp thời cháy lớn, cháy lan xảy ra. Bố trí lực lượng, phương tiện lúc ban đầu chưa phù hợp nên chưa phát huy hết khả năng chữa cháy của một số tổ máy, dẫn đến cháy lan. Nhiều tổ máy bơm không đảm bảo lực lượng nên phải tạm dừng do chữa cháy thời gian dài kiệt sức, không có lực lượng dự phòng thay thế. Sự phối hợp giữa người điều động lực lượng với tổ hậu cần chưa chặt chẽ nên không nắm được số lượng lực lượng tham gia chữa cháy, từ đó việc chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống... có lúc, có nơi chưa đảm bảo.
Có 30 cá nhân, 11 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong việc chữa cháy rừng vừa qua. (Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các các nhân).
Những hạn chế trong công tác chủ động, phối hợp chữa cháy được lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh), Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ… nêu ra tại buổi họp, trong đó nhấn mạnh đến việc chậm phát hiện, thiếu chủ động trong hiệp đồng giữa các lực lượng… Đồng thời đánh giá cao việc sử dụng thiết bị bay tầm nhiệt nhằm phát hiện những vị trí cháy để cơ động lực lượng khống chế. Là người tham gia chữa cháy và chỉ huy chữa cháy nhiều vụ cháy rừng, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho rằng, lần chữa cháy này rất phức tạp, nhất là trong điều động và sử dụng lực lượng.
“Đã tuyên truyền, nhắc nhở rồi, tới đây tiếp tục kiểm tra, ai không thực hiện đúng theo quy định sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCCR theo quy định đối với các chủ rừng.
Ông Vũ cho biết, qua kiểm tra mới đây cho thấy, Trung tâm Thực nghiệm lâm nghiệp Tây Nam Bộ, trang thiết bị máy móc, lực lượng ứng trực, lực lượng tham gia chữa cháy chưa đảm bảo, khi có cháy xảy ra không đảm bảo thực hiện theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; Trại giam Cái Tàu xây dựng phương án PCCCR chưa đúng mẫu quy định, chưa triển khai thực hiện phương án PCCCR, trang thiết bị máy móc hư hỏng không hoạt động được, chưa bố trí lực lượng ứng trực tại các chốt, chưa có giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra; đơn vị F8, Sư đoàn bộ binh 8, Quân khu 9 trang thiết bị máy móc chưa đạt yêu cầu không phải máy chuyên dụng chữa cháy, lực lượng chữa cháy không đảm bảo, chỉ có 2 người trực tiếp thực hiện công tác PCCCR./.
Đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy (2 vụ cháy rừng, 2 vụ cháy thực bì sau khai thác không ảnh hưởng đến rừng, 1 vụ cháy cây tràm tái sinh, tràm trồng ngoài đất lâm nghiệp), diện tích thiệt hại 42,7 ha; trữ lượng thiệt hại: 912,28 m3. Hiện tổng diện tích khô hạn có khả năng xảy ra cháy trên địa bàn tỉnh 37.548/45.679 ha. Trong đó, cảnh báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) 10.586 ha; cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) 23.114 ha.
Trần Nguyên