Nhập khẩu từ nguyên liệu đến hàng tiêu dùng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 8 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi Việt Nam đang xuất siêu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... thì ngược lại Việt Nam lại nhập siêu mạnh từ Trung Quốc, Thái Lan...
Trong cuộc họp về tình hình nhập siêu từ Thái Lan ngày 15/9, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ năm 1995, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 339 triệu USD và hiện nay là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN chỉ sau Singapore.
Trong giai đoạn 2009-2016, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng khoảng 6,8%/năm, nhập siêu tăng từ 3,25 tỷ USD năm 2009 lên 5,16 tỷ USD năm 2016. Tính trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, Việt Nam đã chi hàng tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017 để nhập rau quả, xăng dầu, hóa chất, ôtô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng, máy móc phụ tùng các loại... từ thị trường này. Bên cạnh đó, việc nhập siêu mạnh từ Thái Lan lại chủ yếu đến từ nhóm hàng tiêu dùng, loại hàng hóa mà Việt Nam sản xuất được.
Dự báo, trong năm 2018, lượng xe ôtô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ còn tăng cao do thuế nhập khẩu giảm về 0% và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tính đến hiệu quả trong thương mại
Nói về nguyên nhân dẫn đến nhập siêu, bà Oanh cho hay, hiện Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), do vậy nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết trong ATIGA.
Cùng với đó, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng của Thái Lan là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam. Theo bà Oanh, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm tới 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan, gồm có: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, thức ăn gia súc và nguyên liệu...
Các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. “Chưa kể, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác", bà Oanh nhận xét.
Có cái nhìn tổng quan hơn, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nhập siêu trong quá trình hội nhập là vấn đề bình thường và cần nhìn bức tranh tổng thể từ thế giới.
Trên thực tế, cơ cấu hàng Thái Lan và Việt Nam khá tương đồng, do đó ngoài vấn đề xử lý hàng rào kỹ thuật thì phải xuất phát từ chính năng lực sản xuất trong nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, việc giải quyết vấn đề nhập siêu giữa Việt Nam với Thái Lan cần nhìn nhận một cách rộng hơn. Vấn đề không chỉ nằm ở ý chí của các cơ quan quản lý mà cần phải tuân theo nguyên tắc thị trường.
Cần có cái nhìn tổng thể chứ không thể cực đoan. Trong vấn đề kiểm soát nhập siêu cần tính đến vấn đề hiệu quả trong hoạt động thương mại, có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng lại xuất siêu ở mặt hàng khác”, ông Tuấn Anh nói.