【bong da du lieu】Chuyện hàng xóm
1. Thói quen túm tụm của các bà các cô xóm ấy lại được phen xới lên. Lần này có vẻ dai dẳng. Họ nói từ hôm bữa đến hôm nay. Lần này có vẻ rộn ràng. Họ nói từ buổi sáng đến buổi tối. Lần này có vẻ rất tập trung. Chẳng phải chuyện bà Linh mới mua con màn hình phẳng to vật. Cũng chẳng phải nhà ông Quyền mới sắm cho thằng con đậu đại học cái tay ga. Không phải là (hình như) con Huyền mới bị chồng đánh hay sao chúng mày ạ. Cái má sưng vếu kia kìa… Tóm lại,ệnhàngxóbong da du lieu không phải những chủ đề đã từng được xào nấu trong cái xóm tập thể công nhân cũ này. Chuyện lần này mới tinh!
Mới, nhưng theo một kịch bản rất cũ: khổ chủ - nhân vật chính - không nghe (hoặc chưa nghe) được câu chuyện họ nói về mình. Nguyên nhân thì rất khách quan: khổ chủ đang vắng mặt. (Lúc nào chả thế!). Ấy là chuyện cô Hà đầu xóm bị bệnh nằm viện. Thường ngày cô đi dạy. Về thì cắm mặt vào căn nhà hai tầng mới được nâng cấp lại từ một căn hộ công nhân trước đây. Bữa nào thuận miệng thì góp tiếng góp lời với hội đàn bà trong xóm. Đùng một cái, cô đi viện. Lẽ phải đến hai hôm sau cả xóm mới biết. Của đáng tội, bình thường cũng ít người ưa cô giáo ấy. Xóm này, đa phần là công nhân nghỉ hưu, đang là công nhân hoặc con cháu công nhân. Họ dắt díu nhau, kẻ xuôi kẻ ngược, đến đây từ cái dạo nhà máy xi măng mới xây dựng. Ngót nghét cũng 30 năm có lẻ rồi. Trong xóm, ít người có được lý lịch như nhà cô: chồng công an, vợ giáo viên. Hai đứa con nhà ấy nghe bảo đều “xuất sắc” cả. Mà không đứa nào bị đao hay thiểu năng trí tuệ như một vài đứa không may trong xóm. Bố mẹ những đứa ấy đến là não lòng nhưng, một vài trong số ấy thậm chí lại não cả phổi, cả gan, cả mật… vì ung thư. Lũ trẻ không may thì dù sao cũng có một cái trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật ở dưới dốc để có chỗ bầu bạn. Bố mẹ cô dì chú bác nhà chúng mà có không may thì có nước mà đóng hòm. Sống nhờ vào xi măng, chết cũng vì xi măng. Ai mà lạc quan cũng đến thốt lên rằng: Sinh nghề tử nghiệp.
2. Chuyện lý lịch ảnh hưởng đến thái độ hàng xóm thì chả biết thật giả thế nào cơ mà mọi người không ưa là vì cô này có vẻ “khinh người”. “Cô giáo mà ăn nói gì lạ. Chả lọt tai”. “Cô giáo mà xử sự chán bỏ xừ!”. (“Nhà ấy tiền để đâu cho hết nhỉ?”. “Thì đấy, chả mới xây nhà còn gì!”)… Nhân lúc vắng khổ chủ người ta cứ bình phẩm như thế. Vậy mà, những lúc có cô Hà, ai cũng vui vẻ góp mồm góp miệng, ai biết ai không thích ai mà lần? Đấy, bà Minh chẳng vài lần tức máu:
- Vợ con nỗi gì, chồng sang hàng xóm uống hớp bia mà cứ đứng ở ngoài la ra rả! Gặp bà, bà táng vỡ mồm!
Số là bà Minh ức cái nỗi đã mua bia, mua mồi về cho chồng bà với anh hàng xóm chén bác chén chú với nhau thế mà vợ anh này lại cứ hay quấy quá kiểu ấy. Mà chẳng phải người có tuổi, chị Tuyết đầu xóm cũng vài phen cả giận. Mặt sa mày sụt. Nguýt lên nguýt xuống. Chả là mấy thùng xốp rau khoai trồng trước hiên nhà, định bụng kiếm tí rau sạch cho đứa con nhỏ, ai dè cô Hà cứ hồn nhiên qua hái. Hái xong còn cười. Thế mới điên!
Kết luận là, chả mấy ai ưa cái cô Hà này. Thế nên, ngày đầu tiên biết cô Hà nằm viện, có người độc miệng: “Đáng đời! Ai bảo giàu mà kiết! Có mấy đồng quỹ xóm mà gào rát họng cũng chẳng chịu đóng cho!” hay “Bệnh tật gì, chắc trốn việc nhà chứ gì!”… Và muôn kiểu bình luận chẳng ăn nhập gì với hiện thực có một người hàng xóm phải đi nằm viện. Nói vậy chứ cũng có người dè dặt: “Đau gì đấy nhỉ? Sao mà nằm viện nhỉ?”.
Thế rồi người ta lại quay lại với mớ quần áo nhà mình. Với ông chồng và những đứa con của mình. Với mấy cái hóa đơn điện nước tháng này lại tăng của nhà mình. Những thứ của nhà mình chứ không phải là của nhà cô ấy…
3. Ngày thứ tư, thứ năm trôi qua, vẫn chưa thấy cô Hà về nhà. Mấy bà mấy cô trong xóm bỗng trở nên bối rối một cách rất chính đáng. “Có nên thăm nom gì không nhỉ?”. “Thăm gì! Bữa trước em ốm liệt giường cũng chẳng thấy cô ấy hỏi một tiếng”. “Ô hay! Anh Bắc, chồng chị ấy, chả góp tiền thăm chị đấy phỏng?”. “Là tôi nói cô ấy…”.
Sau khi thảo luận sôi nổi trước hiên nhà bà Báu trong lúc ngồi nhặt rau chuẩn bị bữa tối, cả xóm đã nhất trí cử chủ nhà tối nay phải hỏi han anh Bắc cho ra nhẽ, rồi ngày mai đi thăm. “Nói gì thì nói cũng phải qua lại, còn tình làng nghĩa xóm”. Ông Quyền nhân lúc đi đổ xăng cái xe tay ga cho thằng con đi ngang qua góp ý thế. “Dù sao thì chúng nó cũng còn nhỏ, mình không chấp vặt. Rồi còn sống ngày mai ngày sau”. Ông Bảo, chồng bà Báu, lúc ra hiên khơi cái nõ điếu cày cũng tranh thủ nói vào.
Tối. Cơm nước xong xuôi. Chương trình thời sự cũng đã xong. Thậm chí đến cái phim chán nhách trên tivi cũng đã chiếu xong mà điện nhà anh Bắc vẫn chưa thấy sáng. Bà Báu tự dưng thấy phiền. Đang không ôm rơm rặm bụng. Việc quái gì cũng giao cho mình. Ma chay cưới hỏi sinh đẻ bệnh tật. Coi như là tất tần tật đều đổ đầu bà. Cứ có việc gì hệ trọng là y như rằng nhà bà lại rộn rã. Lại nước. Lại quạt. Đôi khi lại phải có miếng gì bỏ vào mồm để cái sự bàn bạc nó thông suốt. Mấy cái nhỏ thành cái to. Bà cứ hay tiếc mỗi khi quy đổi thành tiền…
4. Tối hôm sau, cả xóm lục tục kéo nhau xuống bệnh viện. Họ tán chuyện từ lúc còn tập trung, đến chỗ gửi xe, trên đường vào phòng bệnh. “Chưa biết bệnh gì à?”. “Ừ, nghe bảo vậy”. “Không! Nghe bảo là giảm tiểu cầu gì đấy”. “Có nguy hiểm không?”. “Ai biết. Nhưng nằm viện lâu vậy, chắc nặng”. “Hay ung thư chúng mày?”. “Thư cái gì! Đừng độc mồm độc miệng thế”. “Chúng nó mới lên xóm, có phải ăn đất ăn nước cái khu nhà máy như chúng mình đâu mà ung với thư”. “Ôi dào, thời buổi này, chả nói ăn, đến hít không khí cũng ung thư. Gớm! Chả chóng thì chầy cũng đến lượt các bà”. “Ô hay cái bà này! Mồm với chả miệng”… Cứ thế, những câu hỏi, trả lời, bình luận, hỏi… dẫn họ vào phòng bệnh nhân. Gặp lại hàng xóm, cô Hà mừng ra mặt. Rối rít cảm ơn. Tuy nghe giọng có vẻ yếu nhưng ra phần hồ hởi. Mọi người túm tụm trong một không gian chẳng có gì là tươi khỏe. Chỉ có những người hàng xóm lâu rồi không gặp trò chuyện. Hỏi han. Bắt tay. Thăm hỏi. Chúc tụng…
5. Cô Hà vẫn chưa được ra viện. Vẫn chưa tìm thấy bệnh. Vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm. Bác sĩ bảo đã gửi mẫu đi một vài trung tâm lớn. Phải chờ xem thế nào. Anh Bắc nói với mọi người vậy. Cả xóm cũng dần quen với việc thiếu một thành viên. Nhưng trong sự quen ấy đã ngấm chút gì đó của sự khác lạ. Vài lần đi chợ qua, thấy con bé lớp 5 nhà anh Bắc cô Hà phơi quần áo ở cái dây giăng trước cửa, bà Báu tặc lưỡi: “Thôi, lần sau để bác phơi cho”. Bà Thuận nhìn cái cảnh anh Bắc buổi trưa vội vàng chạy về bày 3 hộp cơm lên bàn cho ba cha con mà ngán ngẩm. “Anh Bắc, từ mai, anh cứ tranh thủ xuống viện với chị, hai đứa nhỏ ở nhà tôi nấu cơm cho”. Ông Minh (chồng bà Minh) cũng biết ý biết tứ, từ dạo cô Hà nằm viện chưa dám mời anh Bắc sang uống bia bữa nào. Chị Tuyết, (không thấy phàn nàn chuyện mấy cọng rau khoai nữa), mỗi bận quét sân đều quét luôn phần nhà bên cạnh. Chị Huyền cũng thỉnh thoảng mua cho con Bắp tô bún, cho thằng Sắn hộp sữa chua…
Rồi cũng nhân chuyện cô Hà nằm viện cả xóm mới biết té ra cha mẹ cô này đều mất sớm. Anh chị em lấy chồng lấy vợ ở xa. Nhà anh Bắc thì đâu tút lút trong miền Nam, cha mẹ già, anh là con một. Chả nhờ vả ai được trong cái dịp rất đáng nhờ này cả. Vậy là anh chồng một tay ở cơ quan, một tay chăm vợ nằm viện. “Nhà nó thế mà tội nghiệp”. “Ừ. Từ hồi chúng nó chuyển đến, cũng ít hỏi han nên chả biết cơ sự”. “Chúng nó có mở mồm nói đâu mà biết”. Nghe mấy bà rỉ rả, ông Bảo tợp hớp nước trà, xía vào: “Các bà thì chỉ biết nhà các bà thôi! Gớm! Hàng xóm với chả láng giềng!”. “Ơ hay, ông chửi đổng ai đấy?”.
Câu chuyện chiều ấy rồi cũng chìm vào tiếng lạch cạch bát đũa của một nhà trong xóm. Tiếng tivi ở một nhà khác nữa. Tiếng đứa con bị đao la hét ở một nhà khác nữa. Tiếng trẻ con khóc (bình thường) ở một nhà khác nữa…
6. Nhưng cũng từ hôm đó, vài bà vài chị, những lúc tiện đường lại ghé qua chị hàng xóm đang nằm viện của mình. “Bữa nay cái Hà gầy lắm chúng mày ạ”, bà Vằng cho hay. “Bác ơi, trước giờ cháu có nói gì, làm gì không phải, bác đừng trách cháu nhé. Cái Hà nói với tôi thế đấy”, bà Minh thuật lại. “Có gì bác trông nom ăn uống cho con Bắp, thằng Sắn giúp cháu nhé. Nó dặn tôi kiểu ấy các bà ạ”, bà Thuận góp vào.
Rồi bỗng dưng cái không khí rộn ràng của những đám chuyện mọi lần không được khơi lên. Bao trùm lên họ là một nỗi âu lo vô hình nào đó. “Chậc, mãi chưa tìm ra bệnh. Mà người thì càng ngày càng như con mắm. Đến là lo!”.
Người ta đang nghĩ đến cái kết cục đã từng buột miệng hôm nào. Tất nhiên, chả ai mong người khác đeo án tử trên đầu cả. Cơ mà, hình như, con người mình, cứ đến lúc đối phương gần đất xa trời rồi hoặc là chết đứ đừ rồi mới nghĩ đến nhau, quý đến nhau, thương đến nhau. Nhiều người phải nằm xuống rồi mới được công nhận, được vinh danh, được trao tặng… Các cụ nói, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhân lúc chưa “tử” mà “tận nghĩa” thì có phải là hay hơn không!
7. Cô Hà vẫn còn nằm viện. Chồng cô phờ phạc vì đóng một lúc nhiều vai. Mọi sự ở cái xóm tập thể công nhân cũ ấy vẫn từng ngày diễn ra. Chỉ khác là, trong những cuộc chuyện gần đây, họ bắt đầu hỏi han tình hình của một thành viên vắng mặt. Họ nhắc nhở nhau những việc trước đây chưa từng diễn ra. “Thằng Hòa đi đón em Sắn nhé. Bốn rưỡi là em nó tan học rồi đấy”. “Bà Minh cầm con cá này về kho cho con Bắp, thằng Sắn ăn nhé”. “Tôi mới nấu bát canh mồng tơi. Nghe bảo cô Hà thích đấy. Chiều tôi xuống viện. Ai đi cùng nhé?”…
Thế rồi người ta lại quay lại với mớ quần áo nhà mình. Với ông chồng và những đứa con của mình. Với mấy cái hóa đơn điện nước tháng này lại tăng của nhà mình. Và dưới những mái nhà trong cái xóm tập thể ấy, có những con người nằm cạnh nhau khẽ hỏi: “Không biết khi nào cô Hà ra viện nhỉ?”…
NGUYỄN ANH DÂN