Trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) có vai trò then chốt, giúp giảm tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng sản phẩm... Nhận thức được tầm quan trọng đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Văn Thời phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lớp học tại hiện trường, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) có vai trò then chốt, giúp giảm tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng sản phẩm... Nhận thức được tầm quan trọng đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Văn Thời phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lớp học tại hiện trường, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.
Ông Hai Thức (Ngô Thanh Thức), ấp Công Ðiền, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, là hộ nông dân được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND xã chọn thực hiện triển khai lớp học nuôi tôm quảng canh cải tiến tại hiện trường trên diện tích hơn 1 ha đất sản xuất vào đầu năm 2014. Sau thời gian 3 tháng nuôi, gia đình ông thu hoạch được trên 630 kg tôm. Với giá bán 195.000 đồng/kg, ông thu nhập gần 123 triệu đồng, lợi nhuận trên 80 triệu đồng.
Nhờ áp dụng KHKT trong nuôi trồng, nhiều nông dân huyện Trần Văn Thời có thu nhập ổn định. Ảnh: VŨ TRÂN |
Ông Hai Thức vui mừng cho biết, hơn 10 năm nuôi tôm, lần đầu tiên trong 1 đêm đặt lú ông thu hoạch tới gần 60 kg. Không gì có thể tả nổi niềm vui, sự ngỡ ngàng của ông lúc đó.
Ðược kỹ sư “cầm tay chỉ việc” nên ông Hai Thức nắm khá vững kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hiện nay, ông đang cải tạo ao, diệt cá tạp, chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Ông Hai Thức cho biết: “Áp dụng KHKT trong nuôi tôm, năng suất, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước đây. Lúc trước nuôi tôm quảng canh truyền thống, nuôi thiên nhiên, trời cho sao thì ăn vậy. Mỗi năm trúng lắm thì được 50-60 triệu đồng, có những tháng liên tục không bắt được con nào. Nhưng nuôi tôm quảng canh cải tiến thì khác, năng suất, lợi nhuận tăng gấp đôi. Áp dụng KHKT trong sản xuất, tôi thấy cũng không khó khăn gì mấy, chịu khó tìm hiểu, học hỏi là được”.
Sau khi được tham gia lớp kỹ thuật nuôi cá bổi, năm 2014, ông Mai Văn Chiếm, khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời áp dụng vào sản xuất. Từ đó, năng suất, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Ông Chiếm cho biết: “So với trước đây, tôi nuôi cá bổi dựa vào kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm từ anh em, nay áp dụng KHKT vào nuôi cá bổi giúp giảm nhiều chi phí như lượng thức ăn, thuốc. Việc xử lý môi trường nước cũng khoa học nên sản xuất có hiệu quả hơn”.
Ðánh giá kết quả đạt được từ việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, ông Ðỗ Văn Sử, Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trong các năm qua, quá trình chuyển giao KHKT trên địa bàn huyện đạt hiệu quả khá cao, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp về mọi mặt. Ðối với trồng lúa, nếu năm 2007 năng suất chỉ đạt 3,7 tấn/ha thì đến năm 2014 đạt trên 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi tôm quảng canh truyền thống năm 2007 chỉ đạt từ 180-220 kg/ha/năm thì năm 2013 đạt 380 kg/ha/năm; tôm quảng canh cải tiến năng suất đạt 500-550 kg/ha, tôm công nghiệp 5-6 tấn/ha; riêng tôm thẻ chân trắng năng suất đạt trên 6 tấn/ha/vụ”.
Từ việc chuyển giao tiến bộ KHKT đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng thay đổi, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc. Từ đó, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,81%, thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển giao KHKT cũng còn những hạn chế như: nội dung một số buổi hội thảo, tập huấn ngắn hạn chỉ nêu lý thuyết chung chung làm cho nông dân không mấy mặn mà. Một số bà con tham gia hội thảo, tập huấn chỉ với tư tưởng được trợ cấp số tiền vài chục ngàn đồng. Thiết nghĩ, để tránh việc chuyển giao tiến bộ KHKT rơi vào “lối mòn”, các ngành chuyên môn cần có giải pháp thay đổi phương thức truyền đạt, có như vậy, việc chuyển giao KHKT mới đạt hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực đối với nông dân./.
Ngọc Minh