【kết quả cup c2】Huy động USD, vàng trong dân: Cánh cửa mở còn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá việc huy động nguồn lực USD, vàng trong dân là chủ trương đúng nhưng khó, nên phải đưa ra được những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị trường Việt Nam.
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương chống đôla hóa, chính sách trần lãi suất áp dụng huy động USD 0%/năm đã góp phần hạn chế trữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá và đảm bảo vị thế của tiền đồng Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thay đổi và hội nhập, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD để hòa vào các nguồn lực khác, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đồng thời, muốn huy động được phần gốc ngoại tệ, cần có cách nhìn phù hợp với cơ chế thị trường.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng năm 2017, lượng kiều hối về thành phố đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó chủ yếu từ thị trường Mỹ, châu Âu... Đây là con số rất lớn, tuy nhiên, lượng kiều hối này không chỉ bán cho các tổ chức tín dụng hay ngân hàng thương mại mà được sử dụng rất đa dạng ở các kênh như giữ một phần gốc ngoại tệ, đổi VND, mua vàng, đầu tư sản xuất kinh doanh...
Chị Lệ Hằng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết người dân ít nghĩ đến việc gửi vàng có lãi suất âm do phải trả phí, còn USD có lãi suất 0%/năm không hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các bước thủ tục hành chính tại nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại còn phức tạp, nên nếu xem nguồn ngoại tệ, vàng của mình để dành tiết kiệm thì có xu hướng giữ ở nhà. Còn nếu muốn đầu tư thì chọn những kênh truyền thống khác.
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, người dân giữ USD, vàng không chỉ vì lãi suất gửi tiết kiệm thấp, mà do e ngại tiền VND mất giá, nên điều hành chính sách không để xảy ra những biến động vượt tầm kiểm soát là vấn đề quan trọng. Việc huy động USD, vàng cần cảnh giác việc lạm dụng kích thích sự dịch chuyển từ VND sang USD, gây áp lực lên tỷ giá.
Ghi nhận thực tế tại Việt Nam, nhu cầu về sử dụng ngoại tệ, vay vốn ngoại tệ là rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên huy động vốn ngoại tệ là vấn đề rất cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu huy động USD với lãi suất ở mức 0,5%/năm thì vẫn thấp hơn so với mức vay vốn nước ngoài hiện nay là 1,5-2%/năm. Do đó, cần sớm xem xét các giải pháp mở lại những kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ với mức trần linh hoạt và phù hợp với thị trường cũng như đủ hấp dẫn người dân.
Nhận định huy động USD, vàng để phục vụ cho hoạt động kinh tế là tốt, nhưng phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Hướng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần tạo cho người dân niềm tin khi chuyển đổi hay gửi tiết kiệm thì giá trị USD, vàng vẫn được đảm bảo ổn định trong tương lai hoặc ngắn hạn.
Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, để hạn chế và kiểm soát các rủi ro trong huy động USD, vàng, cần có những công cụ điều tiết và kiểm soát hiệu quả. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phải đảm bảo có đội ngũ nguồn nhân lực chuyên môn cao, chuyên gia để triển khai các giao dịch, mua-bán trên thị trường.
Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) cho hay vấn đề khó nhất đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại là huy động USD, vàng, sau đó chuyển đổi thành nguồn lực phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì rất rủi ro về giá nếu tăng-giảm đột biến mà không có những công cụ kiểm soát kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, việc huy động vàng nên nghiên cứu thực hiện trên sàn vàng quốc gia tập trung theo mô hình nước ngoài là hợp lý.
Cụ thể, sàn vàng sẽ là nơi bán vàng giấy, người chủ sàn vàng hay Ngân hàng Nhà nước thu được "tiền tươi thóc thật" nhưng vàng đó là dạng vàng ghi sổ, vàng bút toán và được quy đổi thành giá trị. Với giải pháp này, không phải xuất vàng ra, không chịu rủi ro nhờ vào cơ chế sàn giao dịch tự cân đối.